Hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN...
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5/2020, xuất nhập khẩu của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện so với tháng 4/2020 nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5/2020 đạt 37,9 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 4/2020 nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với 5 tháng năm 2019.
Riêng về xuất khẩu, trong tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng 4/2020 và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD.
“Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (ước đạt 66,06 tỷ USD) do tác động tiêu cực của dịch COVID-19”, Bộ Công Thương đánh giá.
5 tháng đầu năm, kim ngạch của cả ba nhóm ngành quan trọng đều giảm, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp theo là đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%.
Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch COVID-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung.
Ngay khi dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ Công Thương đã sớm tính đến việc triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản. Các hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại đã được tổ chức hướng tới các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…
Nhiều sản phẩm của Việt Nam cũng đang đứng trước các cơ hội xuất khẩu mới. Mới nhất, các chuyên gia Nhật đang có mặt tại Việt Nam để kiểm tra quy trình xử lý quả vải thiều và Việt Nam đang có khả năng đưa được loại quả đặc sản này vào những thị trường vào loại khắt khe nhất thế giới như Nhật Bản hay Singapore…
Đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020 tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới.
Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, năm đầu thực thi, CPTPP mang lại kim ngạch xuất khẩu cao hơn dự báo. Việc EVFTA được phê duyệt được kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu xuất khẩu tích cực hơn trong thời gian tới.
Ngay cả với ngành thủy sản đang gặp khó trong xuất khẩu vào EU do thẻ vàng, thì EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ kích thích doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nỗ lực quay lại chiếm thị phần nhiều hơn tại đây. Theo các doanh nghiệp, EVFTA sẽ có tác động rất tích cực để doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản định hình lại thị trường và nỗ lực tận dụng được các ưu đãi thuế quan của hiệp định.
Các chuyên gia kỳ vọng, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU lội ngược dòng tăng mạnh và đưa EU trở lại vị trí là thị trường trọng điểm lớn nhất nhì, thậm chí là thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, nếu cùng với đó vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU đạt hiệu quả.
Một yếu tố tích cực khác tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam.
Hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.