EU28 là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu), đạt khoảng 2.338 tỷ USD (năm 2018). Do vậy, mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, nhưng mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU, như vậy cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu còn rất lớn.
Nhưng với một thị trường rộng lớn như vậy, một câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tập trung tiếp thị vào 27 nền kinh tế hay lựa chọn một số nền kinh tế để tập trung đi sâu vào những thị trường này?
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương bật mí, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Báo cáo “Kế hoạch hoạt động XTTM 2020-2025 góp phần bảo đảm xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do” dự kiến trình phê duyệt trong tháng 6, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng rà soát, đánh giá và khuyến nghị 10 ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường EU.
Căn cứ vào tiềm năng thị trường, khả năng cung ứng của Việt Nam và nội dung của Hiệp định EVFTA, một số mặt hàng được nhìn nhận có cơ hội lớn theo Hiệp định bao gồm:
- Nhóm Nông sản thực phẩm, có 6 ngành hàng: Thủy sản, Trái cây tươi, Cà phê, hạt Điều, hồ Tiêu, Cao su);
- Nhóm Công nghiệp chế biến, 3 ngành hàng: Dệt may, Da giày, đồ Gỗ;
- Điện tử.
Theo ông Phú, về tổng thể, số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Tổ chức thương mại thế giới (ITC) ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác.
Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35%-60% chưa khai thác và nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35%-90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.
Thực tế quan hệ thương mại song phương trong thời gian qua cho thấy EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của hàng hóa Việt Nam.
Các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU.
Theo các chuyên gia của châu Âu, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…
Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở hiệp định này sẽ mang lại lợi thế to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử,...
Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận…
Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing sản phẩm các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU.