Với bối cảnh mới hiện nay cùng những diễn biến phức tạp trên thị trường logistics toàn cầu, ngành logistics Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều yêu cầu, thách thức mới. Trong đó, chuyển đổi xanh trong hoạt động logistics (còn gọi là Logistic xanh) không chỉ là xu hướng mà đang dần trở thành yêu cầu, yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Áp lực chuyển đổi xanh song hành cùng những cơ hội phát triển mới
Trao đổi tại Tọa đàm do Tạp chí Công Thương thực hiện mới đây với chủ đề “Thích ứng Logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, logistics là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh.
Bởi logistics đóng vai trò rất là quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, logistics cũng lại là một ngành có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) thì riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi nữa thì con số này có thể lên đến 11%.
Nhận định logistics là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh, bà Đặng Hồng Nhung cho rằng, xu hướng này tác động đến ngành logistics bởi hai khía cạnh, vừa tạo áp lực và cũng là cơ hội.
Áp lực ở chỗ doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm. Ví dụ như Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đang siết chặt những quy định về nhiên liệu hàng hải và những quy định này sẽ tác động đến toàn bộ ngành hàng hải thế giới và Việt Nam cũng không tránh khỏi các quy định đó.
Bên cạnh những áp lực về việc tuân thủ quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế thì áp lực cũng đến từ phía khách hàng. Bởi các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều là những khách hàng rất khó tính và có yêu cầu rất cao về các tiêu chí xanh áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm.
Trên thực tế từ góc độ thị trường, khi tham gia trong chuỗi logistics toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp áp lực chuyển đổi xanh bởi chuỗi logistics trên toàn cầu đang chuyển đổi xanh một cách mạnh mẽ và yêu cầu các doanh nghiệp logistics Việt Nam khi tham gia vào chuỗi logistics đó phải cũng phải đáp ứng được yêu cầu để xanh hóa toàn bộ chuỗi logistics. Điều này sẽ tạo cơ hội và thúc đẩy các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ chuyển đổi thúc đẩy quá trình logistics của các doanh nghiệp Việt Nam nhanh hơn.
Đồng thời đối với các doanh nghiệp logistics lớn tại Việt Nam thì dưới áp lực cạnh tranh với các công ty logistics nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam cũng buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh hóa để có thể cạnh tranh thị phần với các công ty logistics nước ngoài.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á cho biết, các khách hàng bây giờ đều có những yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên tiền đề đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi xanh, các dịch vụ mang lại cũng phải xanh.
"Do đó, bắt buộc ngoài câu chuyện tăng cường những dịch vụ lên, song song với chuyện cắt giảm chi phí thì chúng tôi vẫn phải đầu tư để làm sao đáp ứng được những yêu cầu của khách hàng", ông Thuật chia sẻ.
TS. Trần Thị Thu Hương - Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại cho rằng, bên cạnh những thách thức thì xu hướng xanh hóa mang lại cho các doanh nghiệp logistics nhiều cơ hội phát triển.
Theo TS. Hương, trước hết là kinh tế xanh đang được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam và trong những năm vừa qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế mà Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư trong đó có những lĩnh vực liên quan đến logistics xanh.
Việt Nam cũng có những cam kết rất mạnh mẽ ở cả khía cạnh những cam kết quốc tế, hay những chính sách chung đối với phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam và cả những chính sách đối với phát triển ngành logistics xanh.
Có thể kể đến những cam kết quốc tế từ những năm 1992 ở Công ước khung của Liên hợp quốc, gần đây nhất ở Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về giảm phát thải khí carbon của Việt Nam.
Đối với phát triển các ngành kinh tế nói chung thì chúng ta cũng đã đề ra những chiến lược, kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí carbon đối với từng lĩnh vực.
Trong những lĩnh vực liên quan tới logistics thì từ giao thông vận tải, tất cả các loại hình đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không... chúng ta đều đã có những chính sách để phát triển xanh hóa.
Thứ nữa, cơ sở hạ tầng về logistics tại Việt Nam cũng đã được cải thiện trong những năm vừa rồi và nhờ sự cải thiện đó đã giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề phải xanh hóa chính các hoạt động của mình.
Mặt khác, nhận thức của cộng đồng nói chung, của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, kể cả của người tiêu dùng cũng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi và quá trình xanh hóa của các doanh nghiệp.
"Đấy là những cơ hội mà tôi đánh giá sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp logistics trở nên xanh hơn", TS. Trần Thị Thu Hương nhận định.
Áp dụng được logistics xanh thì thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài sẽ được nâng lên rất tốt. Bên cạnh đó, khi áp dụng logistics xanh, về mặt lâu dài chắc chắn sẽ giảm được chi phí bởi khi tiết kiệm được chi phí năng lượng mặt trời, chi phí vận tải... thì rõ ràng chi phí đầu vào sẽ có lợi và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ rất tốt.
Ông Mai Trần Thuật - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á
Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với logistics xanh
Cơ hội nhiều, tuy nhiên để chuyển đổi và áp dụng logistics xanh, doanh nghiệp gặp phải không ít khó khăn. Trong đó đầu tư được nhiều doanh nghiệp cho là vấn đề khó khăn nhất. Để chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Để giảm phát thải trong dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp cần đầu tư để mua sắm và áp dụng những công nghệ, thiết bị mới. Bên cạnh đó là câu chuyện chuyển đổi trong quản lý vận hành hoạt động, đào tạo nhân sự các bộ phận: nhân viên điều phối, nhân viên kho hàng, nhân viên xe tải... để đáp ứng được những quy trình mới và những công nghệ mới...
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, thích ứng với xu hướng logistics xanh, những chính sách, giải pháp của các cơ quan quản lý Nhà nước là rất quan trọng.
Bà Đặng Hồng Nhung cho biết: Với nhiệm vụ được giao là cơ quan đầu mối trong phát triển logistics quốc gia thì Bộ Công Thương đang đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương để ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ để có những chiến lược thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics gắn với logistics xanh và phát triển bền vững.
Hiện nay các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi phương tiện, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp, các phương tiện vận tải bằng điện. Cụ thể Chính phủ đã có chính sách rất nổi bật như: miễn lệ phí trước bạ trong ba năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo...
Ngoài ra, đối với các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm tiết kiệm điện năng thì Bộ Công Thương có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng. Hiện tại Bộ Công Thương đang thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong dự thảo chiến lược, vấn đề phát triển logistics xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu.
"Để thực hiện Chiến lược thì sau khi dự thảo được ban hành dự kiến Bộ cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển xanh cho riêng dịch vụ logistics và trong đó sẽ tích hợp tất cả những vấn đề, cả vấn đề về điện năng cũng như kết hợp các vấn đề về chuyển đổi phương thức vận tải sao cho xanh hóa, tận dụng những phương thức vận tải tối ưu hơn...", bà Nhung cho biết.
Từ góc độ nghiên cứu, TS. Trần Thị Thu Hương nhấn mạnh cần phải có những chính sách đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước đối với việc phát triển các loại hình, hoàn thiện hạ tầng logistics. Qua đó thúc đẩy phát triển ngành logistics nói chung và việc chuyển đổi logistics xanh nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách, giải pháp hỗ trợ của nhà nước, để đáp ứng được những yêu cầu mới về chuyển đổi xanh thì bản thân các doanh nghiệp logistics cần phải thay đổi từ nhận thức, tư duy cho đến hành động.
Đầu tiên doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược ứng phó với các rủi ro mang tính chất toàn cầu và trong đó phải có chiến lược liên quan đến phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Từ việc đưa các mục tiêu liên quan đến xanh vào chiến lược hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics cho đến việc xác định các hướng đi cụ thể thì doanh nghiệp cũng cần phải triển khai các biện pháp trong hoạt động kinh doanh của mình, xanh hóa từng hoạt động như: thay thế hệ thống nguồn điện năng, từ dùng các loại nguyên liệu hóa thạch thành sang các nguồn điện năng thân thiện hơn với môi trường, thay thế các trang thiết bị, phương tiện sử dụng nguồn điện tốt hơn cho môi trường, tối ưu hóa hoạt động của kho...
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề tranh thủ những chính sách của nhà nước, nhất là những chính sách khuyến khích phát triển xanh, những hỗ trợ liên quan đến nguồn lực tài chính, đào tạo nhân lực có kỹ năng xanh để có thể xanh hóa hoạt động của mình đáp ứng yêu cầu của thị trường....