Chú chim đỏ bay về đất Pháp
Đúng như thông tin được Auchan đưa ra ngày 14/5, hôm nay (3/6/2019), 15 siêu thị Auchan và cửa hàng My Auchan trong hệ thống 18 địa điểm của thương hiệu này tại Việt Nam đã chính thức ngừng hoạt động.
Chỉ còn 3 siêu thị sẽ được Auchan duy trì hoạt động là Auchan Crescent Mall và Auchan Era (Quận 7) cùng Auchan Hoàng Văn Thụ (Quận Tân Bình), đều ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Auchan Holding là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Pháp và châu Âu với gần 360.000 nhân viên tại 18 quốc gia trên thế giới, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Bán lẻ (Auchan Retail); Dịch vụ ngân hàng (Oney) và Bất động sản (Ceetrus). Riêng Auchan Retail hiện có hơn 4.000 điểm bán trên toàn cầu dưới nhiều hình thức khác nhau như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, đóng góp tới 98,6% trong tổng doanh thu 51 tỷ Euro (tương đương 57 tỷ USD) năm 2018 của Tập đoàn này.
Bước vào thị trường Việt Nam từ năm 2015, khác với nhiều chuỗi bán lẻ khác, Auchan chọn cách bắt tay các tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính tại chung cư của chủ đầu tư.
Hệ thống siêu thị này từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, mới có 18 siêu thị và cửa hàng Auchan được mở ra, trong đó có 13 siêu thị tại TPHCM, 4 siêu thị tại Hà Nội và 1 tại Tây Ninh.
Trước đó, ngày 14/5, ông Edgar Bonte - CEO Auchan Retail chia sẻ với báo chí rằng quyết định bán lại hệ thống cửa hàng tại Việt Nam được đưa ra khi sau 5 năm, hoạt động kinh doanh chỉ mang về cho Auchan doanh thu 45 triệu Euro (tương đương 50,4 triệu USD) năm 2018 và vẫn đang trên đà thua lỗ.
Không chỉ tại Việt Nam, mới đây Tập đoàn này cũng đã bán gần như toàn bộ hoạt động của Auchan Retail Italia cho Conad – một tập đoàn bán lẻ Italy.
Tới nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về chủ sở hữu mới của 18 cửa hàng, siêu thị mang thương hiệu chú chim đỏ Auchan.
Miếng bánh có thực sự “béo bở”?
Hồi tháng 4/2019, người tiêu dùng cũng đã được một phen ngẩn ngơ khi Công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go, đã nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Công ty VinCommerce với giá chỉ 1 USD. Nguyên nhân mà đại diện Shop&Go đưa ra là do kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng sau 14 năm đầu tư phát triển.
Trước đó, năm 2005, hệ thống trung tâm thương mại Parkson đến từ Malaysia từng nuôi tham vọng phát triển hùng mạnh tại Việt Nam khi mà thị trường này còn chưa có nhiều sự cạnh tranh, nhưng rồi cũng phải ôm thất bại và chấp nhận đóng cửa hàng loạt các trung tâm thương mại của mình sau hàng chục tháng trời thua lỗ thảm hại.
Theo Bộ Công Thương, đến năm 2017 đã có 8.539 chợ, 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, nghiên cứu của Nielsen Việt Nam chỉ ra rằng kênh bán lẻ hiện đại đã đạt mức tăng trưởng lên tới 13% với 7.012 cửa hàng, với 4.541 minimart và cửa hàng đồ ăn, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ trong nước.
Tuy nhiên, những ví dụ trên cho thấy, miếng bánh mang tên thị trường bán lẻ Việt Nam không thực sự béo bở như nhiều người vẫn nghĩ, với sự cạnh tranh gay gắt đến từ nhiều “đại gia” trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thất bại của các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam là từ vấn đề định vị thương hiệu và lựa chọn phân khúc khách hàng chưa phù hợp, chưa đủ rộng để mang lại hiệu quả kinh doanh, trong khi việc bù đắp chi phí mặt bằng, tồn kho, nhân sự và nhiều loại chi phí khác là không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ trong nước được đánh giá là một thị trường trẻ và tiềm năng, với sự vận động không ngừng. Những Parkson hay Auchan đã không nắm bắt được từ khóa “tiện lợi” và “tích hợp” đang trở thành xu hướng trong người tiêu dùng một vài năm trở lại đây. Họ đặc biệt yêu thích sự tiện lợi, quan tâm đến sức khỏe cũng như ưa chuộng và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cao cấp, nhưng cần một nơi có tất cả các sản phẩm và dịch vụ, với giờ mở của lâu hơn, đặc biệt bán các thực phẩm tươi hoặc thức ăn, nguyên liệu nấu sẵn.
Cũng theo báo cáo “Các bước tiến của thị trường Việt Nam” của Nielsen Việt Nam năm 2018, người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, mong muốn có một cuộc sống tốt hơn – do đó, họ dành chi tiêu cho nhiều ngành hàng khác, không đơn thuần chỉ là các sản phẩm FMCG nữa.
Bởi vậy, một điều dễ hiểu là bên cạnh phân khúc siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ bùng nổ để cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống trong thời gian tới, mô hình mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí, thư giãn cũng sẽ thắng thế tại thị trường Việt Nam, làm chủ từ khóa “tích hợp” mà người tiêu dùng đang hướng tới, như anh em của Big C - TTTM GO! Mỹ Tho thuộc Central Group Việt Nam hay TTTM Sense City của Saigon Co.op mới khai trương một vài tháng gần đây.
Có thể thấy, thị trường Việt Nam đúng là mảnh đất “màu mỡ” thu hút nhiều nhà bán lẻ nội địa và nước ngoài đầu tư kinh doanh, nhưng để có thể tồn tại và phát triển giữa cuộc chiến cạnh tranh gay gắt, các thương hiệu sẽ cần có những nước đi khác biệt để định vị bản thân và không ngại đổi mới liên tục dựa trên nền tảng có sẵn sao cho phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người Việt đang dịch chuyển mỗi ngày.