Những bữa giỗ, ngày tết, mâm cỗ có thêm món ăn chế biến từ thịt heo mua ở chợ quê và gà thả nuôi trong vườn.
Sau khi mổ gà, ngoại tôi sơ chế trước khi nấu nướng và dành ít lòng rửa sạch, vớt ra rổ cho ráo nước. Ngoại lấy mớ miến làm từ bột bình tinh tây (bột dong riềng) gói ghém cẩn thận trên chạn bếp cho vào ngâm trong thau nước. Chừng mươi phút sau, vớt miến ra rổ cho ráo nước rồi cho vào tô.
Tiếp đến, ngoại dùng dao xắt lòng thành miếng nhỏ rồi cho vào nồi xào với dầu phộng và hành tím xắt mỏng. Khi lòng chín bốc mùi thơm phức thì cho nước đun sôi vào nồi. Nước sôi trở lại, nêm gia vị vừa ăn rồi múc vào tô đựng miến, thêm ít tiêu giã nhuyễn và hành lá xắt nhỏ là đã có món ăn dân dã, ngọt lành. Tô lòng gà nấu miến khiêm nhường nằm cạnh những món ăn trên mâm cỗ tỏa hương thơm dịu.
Con cháu quây quần bên mâm cỗ vừa bưng xuống khỏi bàn thờ, thưởng thức những món ngon sau khi dâng cúng tổ tiên. Tô lòng gà nấu miến luôn được “ưu ái” trong bữa cơm đoàn tụ gia đình. Những sợi miến dai và mềm mại thấm đẫm hương vị từ lòng gà và gia vị luôn hấp dẫn anh em chúng tôi. Lòng gà mềm, vị ngọt lịm từ muỗng nước nấu miến trôi dần từ lưỡi xuống thực quản. Có lẽ vì lũ trẻ chúng tôi thích ăn nên vào bữa giỗ hay ngày tết ngoại thường dành ít lòng gà nấu miến. Ngoại nở nụ cười mãn nguyện trên gương mặt hằn sâu vết chân chim nhìn đàn cháu nhỏ cắm cúi ăn miến nấu với lòng gà.
Giờ ngoại đã về với tổ tiên. Những lúc thưởng thức món lòng gà nấu miến trong tôi hiện lên hình bóng ngoại nơi chái bếp sửa soạn mâm cỗ dâng cúng và cho con cháu được bữa ăn ngon.