Lễ hội mừng năm mới của người Ê Đê, Jơ Rai, M’Nông: Các già làng, thầy cúng cùng nhau bàn định, lựa chọn ngày tháng cho lễ hội. Họ phân công người cho tu sửa nhà rông, người vào rừng tìm cây làm cây nêu và những cọc tre để buộc trâu làm lễ đâm trâu. Sau nghi lễ đâm trâu, người ta lấy đầu và đuôi đặt lên giàn cúng. Cúng xong, con trâu được xẻ thịt để phụ nữ nấu đồ ăn. Nhiều gia đình nấu cơm nếp hoặc mang chè rượu đến góp cỗ vui chung cùng cả làng.
Lễ hội ăn cơm mới của người Jơ Rai, Bah Nar và Ê Đê: Thông thường được tiến hành vào tháng 10 dương lịch và kéo dài nhiều ngày liên tục. Lễ hội mừng cơm mới để tạ ơn thần linh, nhất là Yàng coi sóc việc trồng lúa. Người Bah Nar gọi Yàng là Giă Pôm, người Jơ Rai gọi là H’Ri và đều được tượng trưng bằng hình dáng của một người phụ nữ khoẻ mạnh, phúc hậu, hay hờn giận. Sau nghi lễ đâm trâu, khấn thần linh, tất cả dân làng và khách mời cùng nhau ăn cơm mới, uống rượu cần trong âm thanh náo nức của tiếng cồng chiêng. Khi đã no say, mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa, xoay tròn quanh cột gơng trước nhà rông. Cuộc vui được tiếp tục từ nhà này đến nhà khác khắp buôn làng.
Lễ hội cúng giọt nước của người Xơ Đăng: Theo quan niệm của đồng bào Xơ Đăng, nước giọt là một thứ thiêng liêng, cũng có linh hồn, biết thương yêu che chở và oán giận. Vì vậy, lễ cúng giọt nước là một lễ hội lớn thường tổ chức vào tháng 3 dương lịch. Trai làng được phân công vào rừng tìm những cây lồ ô dài, thẳng tắp, đục đẽo để làm ống dẫn nước. Nước được lấy từ đầu nguồn trong khe đá, đôi khi phải đào sâu xuống vách núi mới có, không bao giờ lấy nước trực tiếp dưới suối. Già làng làm chủ tế xong, mọi người trong làng mang nồi, quả bầu khô… ra cái máng hứng nước rồi gùi về nhà. Cồng chiêng vang lên, lan xa mời gọi Yàng. Những người múa dẻo, đánh chiêng hay, vừa nhảy múa quanh con trâu hiến tế. Sau lễ đâm trâu, trâu được mổ thịt, một số được giữ nấu ăn chung, phần thịt còn lại được chia đều mỗi gia đình. Sau khi ăn uống ở nhà rông, mọi người lại kéo nhau về nhà mình, vui chơi ăn uống thỏa thích từ nhà này sang nhà khác.
Lễ hội bỏ mã của người Bah Nar: Khi nương rẫy đã thu hoạch xong, người Bah Nar bước vào mùa “Ning nong” (mùa rảnh rỗi), tương ứng với tháng 9-10 âm lịch hàng năm là tổ chức lễ bỏ mã cho người quá cố. Lễ hội thường diễn ra từ 3-7 ngày. Trai vào rừng đốn gỗ tốt, chặt trúc, cắt tranh đem về khu nhà mồ. Mở đầu của lễ là dỡ bỏ nhà mồ cũ để dựng nhà mồ mới, thời gian độ 2 ngày. Khi hoàn tất, già làng thông báo cho Atâu (linh hồn người chết), sau đó mọi người ăn uống, nhảy múa và đánh cồng chiêng.
Lễ hội Nhô Lir Bông của người K’Ho: Người K’Ho chủ yếu sinh sống ở tỉnh Lâm Đồng. Khi đã gặt hái xong, họ tổ chức lễ Nhô Por Koi tại nương rẫy để cúng Thần gió, cầu xin cho gió thổi nhè nhẹ để việc gieo tỉa lúa ngô đạt được kết quả. Sau đó vào tháng 3 dương lịch tổ chức lễ Nhô Lir Bông (Lir Bông có nghĩa là kho lúa, cót lúa). Lễ được cúng tại gia đình bắt đầu từ xế chiều và có sự tham gia của bà con trong bản. Chủ tế chém con vật được chọn cúng, lấy máu bôi lên xung quanh kho lúa, cót lúa và các chén rượu cần. Sau đó, mọi người tổ chức ăn uống, vui chơi từ nhà này đến nhà khác và kéo dài nhiều ngày.
Lễ hội của người S’Tiêng: Người S’Tiêng sinh sống ở Lâm Đồng, Đăc Lắc. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày. Các gia đình đều tổ chức mổ trâu, bò, gà để cúng Yàng. Ngày lễ hội có sức hấp dẫn người dân nhiều bản làng lân cận kéo đến tham dự rất náo nhiệt. Trai gái được dịp chưng diện quần áo đẹp, mang đồ trang sức mới. Cánh phụ nữ trổ tài nấu ăn. Người S’Tiêng có tục lệ lấy đất trộn với cành cây bàng và dây mây, sau đó lấy dây mây đập nát rồi đắp lên thân thể mọi người để tưởng nhớ đến thời tiền sử khi con người được sinh ra.
Hội đua voi của người M’Nông ở Buôn Đôn (Đăc Lắc): Đây là ngày hội truyền thống, dân dã, chứa đựng nhiều màu sắc thể thao thượng võ, phản ánh nếp sống mạnh mẽ của người dân núi rừng Tây Nguyên. Hội đua voi diễn ra vào ngày 26/3 dương lịch hàng năm trên sông hoặc trên đất gò. Trên mỗi con voi cường tráng là những quản tượng sức vóc trẻ trung. Khi có lệnh, đàn voi dướn thẳng mình, cuộn tròn chiếc vòi và chồm lên. Chúng tiến lên theo nhịp hò reo của dân làng và theo nhịp của dàn cồng chiêng. Voi nào thắng cuộc được gắn hoa, mang đai đỏ cho người, voi và được thưởng 1 con lợn, 7 ché rượu quý. Sau cuộc đua, dân làng kéo về nhà rông để ăn uống no say. Các cô gái, chàng trai say sưa hát, nhảy múa với nhau theo tiếng cồng chiêng cho tới đêm khuya, suốt sáng.