Những “điểm tựa” của kinh tế thế giới 2019

Khi năm 2018 chuẩn bị khép lại, các tổ chức quốc tế, giới chuyên gia đã đưa ra một loạt cảnh báo đáng lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu “giảm tốc”, thậm chí đứng trước “ngưỡng cửa suy thoái” vào năm 2019.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh kinh tế toàn cầu, vẫn có thể tìm thấy vài điểm sáng để củng cố niềm tin rằng, kinh tế thế giới suy giảm, nhưng không suy thoái.

Ở thời điểm chuyển giao năm cũ và đầu năm mới 2019, các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều chuyên gia kinh tế đã gióng lên hồi chuông báo động về việc kinh tế thế giới đang đối mặt không ít thách thức khi tốc độ tăng trưởng bắt đầu “hụt hơi”; nợ công tăng cao; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt; đàm phán Brexit vẫn chưa có hồi kết, đang mắc kẹt tại Quốc hội Anh có thể trở thành “ác mộng” đối với kinh tế Anh, kinh tế EU… Tỷ phú R.Dalio, Chủ tịch Quỹ đầu cơ Bridgewater Associates LP lớn nhất thế giới, thậm chí còn cho rằng, nhiều nền kinh tế hiện đã ở “giai đoạn cuối của chu kỳ nợ”. Riêng tại Mỹ, khối nợ công đã tiếp tục tăng lên 22.000 tỷ USD vào cuối năm qua, chiếm 107%-108% GDP, gây lo ngại và khiến niềm tin đối với đồng USD suy giảm…

Tuy nhiên, dù “mây đen u ám” bắt đầu làm lu mờ triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế, thì nhìn vào bức tranh kinh tế thế giới hiện tại, vẫn có thể tìm thấy những điểm sáng làm điểm tựa cho niềm tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ không suy thoái trong năm nay. Điểm sáng trước tiên phải kể đến là sự tăng trưởng và các chỉ số kinh tế vĩ mô đáng ngạc nhiên của nền kinh tế số một thế giới. Trong suốt vài thập kỷ vừa qua, khi nói đến đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, người ta thường nói về Trung Quốc, nhưng trong năm qua, Mỹ mới là “ngôi sao sáng”.

Kinh tế Mỹ đã bứt phá ngoạn mục

 

new york
Kinh tế  Mỹ chắc chắn về đích năm 2018 với mức tăng trưởng xấp xỉ 3%


Kinh tế Mỹ đã bứt phá ngoạn mục, bất chấp việc chính quyền Trump “châm ngòi” cho cuộc chiến thương mại với nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Vào năm 2016, khi “ông chủ Nhà Trắng” Donald Trump tuyên bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ 3%, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho đó là “điều không tưởng, viển vông”. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đã vượt mốc 3% trong quý 3/2018 và “đầu tàu kinh tế” của thế giới này chắc chắn về đích năm 2018 với mức tăng trưởng xấp xỉ 3%. Đồng thời, nước Mỹ còn sở hữu những chỉ số kinh tế vĩ mô đáng mơ ước như: tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở ngưỡng 3,7%, thấp nhất trong nửa thế kỷ vừa qua. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.Lagarde trong trả lời phỏng vấn đài CNBC của Mỹ mới đây đã nhận định, kinh tế Mỹ “dường như sẽ không bị suy giảm trong tương lai gần”.

Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao

 

an do
Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7% trong tài khóa 2018-2019


Trong khi đó, trong năm qua, kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bất chấp thách thức và áp lực suy giảm tăng trưởng đang lớn hơn. Dù đã bước vào “trạng thái bình thường mới” và đối mặt nhiều khó khăn hơn, nhưng tốc độ tăng GDP của Trung Quốc vẫn ở mức chung quanh 6,5%; kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7% trong tài khóa 2018-2019. Trong khi đó, kinh tế ASEAN được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 5,1% và 5,2% trong năm 2018 và 2019. Ở châu Âu, kinh tế Khu vực đồng Euro (Eurozone) tiếp tục phục hồi sau một thời kỳ dài dường như “ngủ đông”, với mức tăng trưởng được OECD dự báo là 1,9% năm 2018 và 1,8% vào năm 2019.

Nhiều hiệp định tự do thương mại về đích trong năm 2018

 

nafta
Ký kết Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA)

 

Việc một loạt các hiệp định tự do thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), FTA Mỹ - Hàn Quốc… được đàm phán thành công và “về đích” trong năm 2018 cũng mang lại động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý là CPTPP với sự tham gia của 11 thành viên đã “hồi sinh” và chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018. Giới phân tích dự báo rằng, hiệp định này sẽ giúp một số nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030; giúp GDP của các nước New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia tăng thêm khoảng 1%. Và, điều quan trọng hơn, việc CPTPP chính thức “đi vào cuộc sống” là sự khẳng định xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn, bất chấp “làn gió ngược” của chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa nhiều nền kinh tế.

Đàm phán thượng đỉnh liên Triều, Mỹ - Triều thành công

 

lien trieu
 Đàm phán thượng đỉnh liên Triều thành công đã tạo hiệu ứng tích cực cho hợp tác kinh tế


Ngoài ra, nhìn lại kinh tế toàn cầu năm 2018, còn phải kể đến những tín hiệu tích cực từ việc đàm phán thượng đỉnh liên Triều, Mỹ - Triều thành công đã tạo hiệu ứng tích cực cho hợp tác kinh tế liên Triều và khiến chỉ số trên các thị trường chứng khoán nhiều “sắc xanh” hơn. Sau cuộc gặp Thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã dành “những lời có cánh” về mối quan hệ song phương và đang có triển vọng sẽ tiếp tục gặp nhau trong quý 1/2019. Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je hôm 8/1 cho biết Mỹ và Triều Tiên tiếp tục có các cuộc thảo luận qua các kênh không chính thức về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuyên bố nêu trên được đưa ra trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều đã bày tỏ muốn gặp lại nhau để thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hai bên đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ngày 12/6/2018 tại Singapore. Bản thân Tổng thống Trump mới đây tuyên bố địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần hai có thể sẽ được công bố “trong tương lai không xa”.

Dự báo xu hướng giá dầu tiếp tục giảm

 

gia dau
Đa số các chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng dầu giảm giá sẽ còn tiếp tục trong năm 2019


Một điểm tựa nữa của kinh tế thế giới trong năm 2019 là giá “vàng đen” lùi về mốc chung quanh 60 USD/thùng đang mở ra triển vọng phát triển cho nhiều ngành kinh tế. Sau một thời gian phục hồi, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới lại bước vào xu hướng “lao dốc” trong những tuần cuối năm 2018. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và giới phân tích kinh tế nhận định rằng, tình trạng cung vượt cầu và dự báo nhu cầu tiêu thụ không tăng mạnh là hai nguyên nhân chủ yếu khiến giá “vàng đen” giảm. Trên thực tế, giá dầu đã lao dốc tới gần 40% kể từ tháng 10/2018, do nguồn cung tăng mạnh và nhu cầu thế giới suy yếu. Trong tháng 11, có thời điểm giá “vàng đen” đã xuống mức dưới 50 USD/thùng.

Đa số các chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng dầu giảm giá sẽ còn tiếp tục trong năm 2019. Trong báo cáo về Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ mức dự báo giá dầu thô Texas ngọt nhẹ (WTI) trong năm 2019 xuống mức trung bình 54,19 USD/thùng, giảm 10,66 USD so với dự đoán trước đó. EIA cũng dự đoán giá dầu thô Brent sẽ duy trì ở mức trung bình 61 USD/thùng, giảm 10,92 USD so với con số trước đó. Việc giá dầu giảm có thể tác động tiêu cực đến kinh tế của một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, song đây sẽ là “tin vui” với hầu hết các ngành kinh tế và các nền kinh tế trên toàn cầu bởi mức giá dầu thấp sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tạo lực đẩy phát triển cho nhiều ngành kinh tế.

Thế giới đang bước vào năm 2019 với nhiều thách thức kinh tế và không còn nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi” như năm 2018, song những “điểm tựa” nêu trên đang tạo ra lực đỡ để tránh cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu khỏi lao dốc. Đây là lý do Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/1 nhận định rằng, kinh tế toàn cầu sẽ mất đà tăng trưởng trong năm 2019 và 2020, do một chuỗi các yếu tố tiêu cực, từ căng thẳng thương mại, bất ổn trên thị trường tài chính, nhưng “sẽ không rơi vào suy thoái”.

Trong bối cảnh nêu trên, quốc gia nào biết tận dụng tốt những “điểm tựa” từ tăng trưởng kinh tế Mỹ, CPTPP, giá dầu giảm và môi trường an ninh quốc tế ổn định hơn, quốc gia đó sẽ vượt qua được các thách thức suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay.

 

TS. Nguyễn Quốc Trường