Những điểm mới của Chương trình GSP 2014

Từ ngày 01/01/2014, Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU chính thức có hiện lực thay thế Chương trình GSP thực hiện theo Quy định số 732/2008 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2013. Quy chế
Quy định số 978/2012 thay thế Quy định số 732/2008 đã cải tiến Chương trình GSP mới theo những tiêu chí sau:

Giảm số nước được hưởng GSP

- Các nước đang phát triển tiên tiến hơn trở nên có tiềm lực cạnh tranh cao trên phạm vi toàn cầu do đã hội nhập thành công vào kinh tế thế giới, nếu vẫn được hưởng GSP sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh hơn làm giảm tiềm năng xuất khẩu từ các nước kém phát triển và các nước nghèo, nên sẽ không được hưởng GSP nữa.

- Các nước có thu nhập cao và trung bình - cao, hoặc có khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, kể cả các nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung đã chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường, cũng bị loại ra khỏi danh sách hưởng GSP.

- Các nước đang phát triển đang được hưởng các ưu đãi tiếp cận thị trường của EU theo các hiệp định song phương/đa phương, hay đã ký FTA với EU, cũng không có mặt trong danh sách được hưởng GSP, do các ưu đãi trong hiệp định các nước này ký với EU thường cao hơn GSP.

- Chương trình GSP của EU nay sẽ chỉ tập trung cho các nước cần hơn, đó là các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp. Hiện nay, việc này cần làm gấp vì các mức thuế nhập khẩu của EU nói chung đang trong xu hướng giảm, do EU đã và sẽ ký hiệp định FTA song phương và đa phương với nhiều nước, nếu để chậm, ý nghĩa “ưu đãi” sẽ giảm đi. Số nước được hưởng theo Chương trình GSP cũ đã giảm từ 177 nước xuống còn 90 nước (giảm 87 nước).

Các nước bị loại ra khỏi danh sách hưởng GSP mới gồm 33 nước và vùng lãnh thổ thuộc địa của các nước phát triển thuộc EU, Mỹ, Úc, New Zealand, nên không cần GSP của EU; 34 nước đã có FTA hoặc các hiệp định ưu đãi khác với EU và 20 nước đang phát triển có thu nhập đầu người cao hoặc trung bình - cao theo tiêu chí phân loại của WB.

Danh sách các nước được hưởng GSP mới (từ ngày 01/01/2014)

Theo Quy định số 978/2012, có 90 nước được hưởng GSP, trong đó:
- Nhóm GSP tiêu chuẩn có 41 nước, trong đó có Việt Nam (Phụ lục II). Theo phân loại thu nhập mới nhất của WB, Việt Nam hiện được coi là nước có thu nhập trung bình - thấp, do đó nằm trong diện được hưởng GSP tiêu chuẩn.

- Nhóm GSP+ (Phụ lục III) trước mắt chưa có nước nào. Theo quy định của EU, tất cả các nước trong danh sách được hưởng GSP tiêu chuẩn đều có thể làm đơn xin được hưởng GSP+, kể cả các nước đã được hưởng GSP+ từ năm trước, trừ Trung Quốc, Colombia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là những nước được coi là có tiềm lực mạnh về xuất khẩu vào EU.

- Nhóm EBA có 49 nước (Phụ lục IV): châu Phi (34), châu Á (9), châu Úc và Thái Bình Dương (5) và Nam Mỹ (1).

Danh mục các mặt hàng được hưởng GSP mới (từ ngày 01/01/2014)

Phụ lục V quy định các mặt hàng được hưởng quy chế GSP. Để được hưởng GSP, các mặt hàng phải có xuất xứ từ nước thụ hưởng GSP. Các quy tắc xuất xứ liên quan đến định nghĩa khái niệm về nguồn gốc sản phẩm, quy định về các thủ tục và phương pháp hợp tác hành chính liên quan được nêu tại Quy định EEC số 2454/93.

GSP tiêu chuẩn gồm hơn 6200 dòng thuế (trên tổng số 7100 dòng thuế của EU) không được miễn thuế. Nhóm các sản phẩm không nhạy cảm (non-sensitive - NS) được miễn thuế nhập khẩu (0%), trừ các sản phẩm có thành phần có nguồn gốc nông sản, chiếm khoảng 2400 dòng thuế. Nhóm các sản phẩm nhạy cảm (sensitive -S) gồm khoảng 3800 dòng thuế hỗn hợp các loại như nông sản, dệt may, giầy dép, thảm… được giảm thuế, ở mức thông thường khoảng 3,5% trên mức thuế tính theo tỷ lệ phần trăm (ad valorem) của thuế nhập khẩu tiêu chuẩn tại Biểu thuế quan chung EU. Riêng đối với sản phẩm dệt may (mã S-11a và S-11b tại Phụ lục V) được giảm 20% trên mức thuế “ad valorem”. Một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể tại điều 7 của Quy định số 978/2012.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có trong danh mục các mặt hàng được hưởng GSP như: hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, rau quả, thực phẩm chế biến… Tuy nhiên, đa số các mặt hàng này đều trong diện nhạy cảm (S), nên chỉ được giảm thuế nhập khẩu. Đặc biệt, các mặt hàng dệt may, nông sản, thủy sản còn phải tuân theo các điều khoản phòng vệ và giám sát khá chặt chẽ của EU đối với số lượng nhập khẩu (Phần II và Phần III của Quy định số 978/2012).

Theo chương trình GSP cũ, một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như da giầy bị đưa vào danh mục “trưởng thành (graduation)”, tức là đã xuất khẩu sang EU chiếm tỷ lệ cao nên không được hưởng GSP. Theo GSP mới, quy tắc “trưởng thành” được áp dụng cho 32 lĩnh vực mặt hàng (GSP cũ là 21 lĩnh vực) khi tổng nhập khẩu vào EU của một mặt hàng của nước thụ hưởng GSP vượt quá 17,5% (GSP cũ là 15%) trên tổng nhập khẩu mặt hàng tương tự từ tất cả các nước hưởng GSP của EU, trong vòng 3 năm liền. Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ “trưởng thành” là 14,5% (GSP cũ là 12,5%). Quy tắc “trưởng thành” chỉ áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ nhóm nước hưởng GSP tiêu chuẩn, không áp dụng đối với các nhóm EBA và GSP+.

Mới đây, theo quyết định của Ủy ban châu Âu, mặt hàng giầy dép của Việt Nam (nhóm S-12a, Phụ lục V), được ra khỏi danh sách các mặt hàng “trưởng thành” của EU. Như vậy từ ngày 01/01/2014, các mặt hàng giầy dép và túi xách của Việt Nam đều được hưởng quy chế GSP tiêu chuẩn với mức thuế 0% đối với hàng không nhạy cảm (NS) và giảm thuế 3,5% đối với hàng nhạy cảm (S). Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hàng giầy dép và túi xách vào EU đạt hơn 3 tỷ USD, với việc được hưởng GSP từ ngày 01/01/2014, dự kiến xuất khẩu các mặt hàng này sang EU sẽ tăng mạnh trong năm 2014.

Doanh nghiệp Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường EU cần tìm trong Phụ lục V của Quy định số 978/2012 để xem sản phẩm của mình (theo mã HS 6 số và mã CN 8 số) có được hưởng GSP hay không và thuộc loại không nhạy cảm (NS) hay nhạy cảm (S), để biết hàng của doanh nghiệp sẽ được miễn thuế, hay chỉ được giảm thuế nhập khẩu vào EU.

                            Chương trình GSP của EU


Chương trình GSP của EU (The EU’s General Scheme of Preferences) nhằm khuyến khích xuất khẩu từ các nước đang phát triển vào thị trường EU, thông qua miễn, giảm thuế nhập khẩu. Qua đó giúp các nước đang phát triển tăng thu nhập từ xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm. Danh sách các nước đủ điều kiện được hưởng GSP của EU nêu trong Phụ lục I của Quy định số 978/2012.

GSP của EU phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho phép có ưu đãi ngoại lệ ngoài quy chế Tối huệ quốc (MFN) của WTO đối với các nước đang phát triển. Chương trình này chỉ nhằm mục đích tạo ưu đãi cho thương mại hàng hóa, mà không giải quyết các khó khăn hay vấn đề khác tại các nước đang phát triển. Chương trình GSP của EU gồm một Thỏa thuận chung và hai Thỏa thuận ưu đãi đặc biệt, áp dụng cho các nhóm nước khác nhau.

a. Thỏa thuận chung (nhóm GSP tiêu chuẩn): Giảm thuế nhập khẩu cho các nước thụ hưởng, gồm tất cả các nước đang phát triển có nhu cầu và có mức thu nhập đầu người từ trung bình trở xuống theo tiêu chí phân loại thu nhập của Ngân hàng Thế giới (WB). Vào ngày 01/01 hàng năm, Ủy ban châu Âu sẽ rà soát lại danh sách các nước đủ điều kiện hưởng GSP tiêu chuẩn. Năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào EU từ các nước hưởng GSP đạt 89 tỷ Euro cho tất cả các mặt hàng được hưởng GSP, trong đó 72 tỷ Euro là của nhóm GSP tiêu chuẩn.

b. Thỏa thuận ưu đãi đặc biệt khuyến khích phát triển bền vững và quản trị tốt (nhóm GSP+): Miễn thuế nhập khẩu (0%) đối với 02 nhóm nước bao gồm: (1) các nước đang phát triển được coi là dễ bị tác động do hàng hóa thiếu đa dạng và hội nhập không đầy đủ vào hệ thống thương mại quốc tế; (2) các nước đang phát triển đã thực hiện tốt các tiêu chuẩn về nhân quyền, quyền lao động, bảo vệ môi trường và tham gia các công ước về phát triển bền vững và quản trị tốt. Về nguyên tắc, các nước có tên trong danh sách hưởng GSP tiêu chuẩn, nếu muốn được hưởng GSP+ phải gửi yêu cầu của mình tới Ủy ban EU và cung cấp thông tin toàn diện liên quan đến việc phê chuẩn các công ước có liên quan và các cam kết ràng buộc, trên cơ sở đó Ủy ban châu Âu sẽ phê duyệt.

c. Thỏa thuận ưu đãi đặc biệt cho những nước kém phát triển nhất (nhóm EBA): Miễn thuế nhập khẩu (0%) và miễn hạn ngạch nhập khẩu đối với mọi hàng hóa nhập khẩu vào EU từ các nước kém phát triển nhất, trừ vũ khí (còn gọi là “nhóm miễn mọi thứ trừ vũ khí”). Đây là chương trình dành riêng cho các nước kém phát triển nhất. Ủy ban châu Âu sẽ liên tục rà soát các nước được hưởng ưu đãi EBA trên cơ sở các dữ liệu sẵn có gần nhất để cập nhật danh sách các nước phù hợp với các tiêu chí được lựa chọn.