Bám sát Chỉ thỉ số 17/CT-TTg về an toàn thực phẩm
Nhắc tới An Giang và Đồng Tháp là nhắc tới địa danh trù phú với nhiều sản vật và văn hóa phi vật thể hấp dẫn không chỉ đối với du khách trong nước mà còn cả khách quốc tế. Hàng năm cứ đến mùa nước nổi cả 1 vùng Đồng Tháp Mười tứ giác Long Xuyên và Châu Đốc An Giang là những cánh đồng ngập nước đặc trưng nhất của mùa nước nổi miền tây Nam Bộ.
Mùa nước nổi về mang theo bao sản vật từ nguồn lợi thủy hải sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp và An Giang mang trong mình biết bao phong vị về thiên nhiên hoang dã cũng như nguồn thực phẩm hương đồng gió nội, dân dã đậm chất miền tây, những đồng sen bát ngát trải dải, những cánh đồng ngập nước mênh mông đa dạng về sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười…
Tuy nhiên, địa hình sông nước cũng như tập quán sinh hoạt theo kiểu làng nghề truyền thống này cũng khiến cho công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Trong buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã báo cáo các nội dung thực hiện theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và việc triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP); Kế hoạch 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra đánh giá Sở Công Thương tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện tốt các công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND Tỉnh và của Sở đã ban hành.
Tính đến thời điểm kiểm tra, các nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện công tác hậu kiểm về ATTP đề ra trong năm 2023 đều hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng, góp phần giúp Sở hoàn thành nhiệm vụ công tác về ATTP trong năm 2023 đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế xuất phát từ việc phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất truyền thống, hộ gia đình nên rất khó đảm bảo các điều kiện về ATTP, đồng thời rất khó xem xét, xử lý vi phạm hành chính, vì cơ sở không có khả năng thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra đề nghị Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện nghiêm và đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới và Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023, thực hiện báo cáo định kỳ đầy đủ.
Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm, giám sát; đặc biệt là các nhiệm vụ được phân cấp xuống tuyến huyện, xã đối với hàng hóa có nguy cơ cao gây mất ATTP như rượu, sữa…Tiếp tục đẩy mạnh công tác, tập huấn, phổ biến kiến thức, thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm.
Với an toàn thực phẩm, chỉ có tăng cường kiểm tra
Sở Công Thương tỉnh cũng cần chủ động, tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tập thể, các kho hàng thương mại và hoạt động thương mại điện tử. Tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả,… kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Về phía An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở Công Thương đã chủ trì kiểm tra thực tế tại 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 kiểm tra 24 cơ sở; tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 kiểm tra 21 cơ sở…
Cũng tại buổi làm việc, Cục Quản lý thị trường An Giang chia sẻ thêm, trong thời gian qua, Cục đã bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh, đồng thời, chủ động, kịp thời xây dựng và triển khai công tác hậu kiểm năm 2023. Trong 8 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường An Giang đã kiểm tra 123 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó, xử lý 20 vụ với hàng hóa vi phạm trị giá trên 1,1 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 307,7 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đánh giá cao các hoạt động của Sở Công Thương An Giang trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề nghị Sở tiếp tục thực hiện nghiêm và đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27/12/2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023; Quyết định số 1167/QĐ-UBND ngày 19/7/2023 của UBND tỉnh để triển khai các chỉ đạo của Ban Bí Thư và Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.