Những nhân tố tác động đến công tác quản lý nguồn vốn ODA trong xây dựng kết cấu hạ tầng

1. Vai trò của vốn ODA đối với xây dựng cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ra đời vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, với mục đích giúp các nước bị chiến tranh tàn phá tái th

 

Kết cấu hạ tầng là các công trình có quy mô lớn, là lĩnh vực đòi hỏi khối lượng vốn lớn, và thời gian xây dựng dài. Muốn phát triển kinh tế - xã hội đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh nói chung và với Thủ đô nói riêng thì việc xây dựng kết cấu hạ tầng phải được đầu tư và đi trước một bước, nhưng một điều nan giải là chúng ta lại thiếu vốn, mà ODA lại rất thích hợp trong lĩnh vực này, vì hỗ trợ phát triển chính thức có tính ưu đãi cao (thời gian cho vay dài, ân hạn, lãi suất thấp).

Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức nêu rõ, các nhà cung cấp ODA cho Việt Nam bao gồm: (i) Chính phủ nước ngoài, (ii) Các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia. Các hình thức cung cấp ODA bao gồm: (a) ODA không hoàn lại, (b) ODA vay ưu đãi có yếu tố không hoàn lại (còn gọi là “thành tố hỗ trợ”) đạt ít nhất 25%.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận một khối lượng ODA khá lớn của các nhà tài trợ, phần lớn nguồn vốn này được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chúng ta đã sử dụng có kết quả nguồn hỗ trợ này cho các mục tiêu phát triển, xoá đói giảm nghèo... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như: chính sách quản lý còn bất cập, mô hình tổ chức quản lý điều hành còn nhiều điều phải bàn, công tác kiểm tra, giám sát còn chưa nghiêm túc, hiện tượng tiêu cực, tham ô lãng phí làm thất thoát vốn,... nhất là trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, làm mất lòng tin của các nhà tài trợ cũng như nhân dân trong cả nước, làm hạn chế công tác quản lý nguồn vốn này ở nước ta.

2. Các nhân tố tác động đến công tác quản lý nguồn ODA từ phía các nhà tài trợ.

Để thu hút, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, cần hiểu rõ các nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình hình thành nguồn vốn ODA. Các nhân tố tác động bao gồm cả bên tài trợ và bên nhận tài trợ:

Từ phía các nhà tài trợ, nhân tố thứ nhất chi phối công tác quản lý nguốn vốn ODA là mục tiêu chiến lược cung cấp ODA của nhà tài trợ. Trong từng thời kỳ, căn cứ vào mục tiêu chiến lược mà nhà tài trợ xác định tập trung vào khu vực nào, quốc gia nào, theo phương thức nào. Nếu mục tiêu chiến lược cung cấp ODA của nước tài trợ thay đổi thì nó sẽ ảnh hưởng đến quốc gia tiếp nhận về cả cơ cấu nguồn vốn ODA và cơ chế chính sách quản lý. Nhân tố thứ hai là tình hình kinh tế, chính trị cũng như các biến động bất thường có thể xảy ra ở phía nhà tài trợ. Khi có những sự biến động bất thường thì chính sách và các quy định về quản lý ODA cũng có thể thay đổi, dựa vào những đánh giá về các khoản ODA đã được thực hiện trong thời gian qua của từng nhà tài trợ. Nhân tố thứ ba không thể thiếu về phía  các nhà tài trợ là bầu không khí quốc tế và sự phát triển các mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai phía tài trợ và nhận tài trợ. Nếu bầu không khí và mối quan hệ này mà mang tính tích cực thì sẽ tạo thuận lợi cho việc giữ vững và mở rộng quy mô nguồn vốn ODA và cả đối với việc hài hoà thủ tục giữa hai bên và ngược lại.

Nhật Bản là nhà tài trợ lớn đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Mục tiêu của chính phủ Nhật bản cung cấp ODA cho Việt Nam nhằm hỗ trợ các nỗ lực phát triển của Việt Nam, hỗ trợ trong việc gia tăng mức tăng trưởng và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế thông qua gia tăng mức chuyển dịch nền kinh tế theo định hướng thị trường, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thông qua đó, giải quyết  được các nhu cầu về xã hội và nhân đạo. Đặc biệt, chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phát triển thể chế bởi thể chế chính là nền tảng cơ bản cho việc gia tăng mức tăng trưởng, cải thiện điều kiện sống và xã hội.

Với việc đánh giá về khả năng phát triển của Việt Nam, chính sách của chính phủ Nhật Bản hướng vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cải thiện điều kiện sống và xã hội, bao gồm cả xoá đói giảm nghèo và phát triển thể chế.

Quy mô viện trợ của chính phủ Nhật Bản được xác định dựa trên cơ chế là duy trì đối thoại chính sách với chính phủ Việt Nam, trên cơ sở đó cùng thảo luận viện trợ cho từng lĩnh vực riêng biệt trong một kế hoạch trung hạn. Nhật Bản cũng chú trọng tới việc hỗ trợ hiệu quả thông qua hợp tác, sự tham gia của nhiều bên liên quan như các nhà tài trợ, các tổ chức  phi chính phủ, chính quyền địa phương, v.v... Điều này cho phép huy động được kinh nghiệm và chuyên môn, nguồn lực con người của các tổ chức phía Nhật bản tham gia để cấp viện trợ.

Chính phủ Nhật Bản cho rằng, viện trợ ODA cho Việt Nam ngày càng quan trọng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, mạnh; đảm bảo có sự phát triển đồng đều giữa các nước thuộc ASEAN cũng như hoạt động của các doanh nghiệp  Nhật Bản ở khu vực này. Những lĩnh vực viện trợ mà chính phủ Nhật Bản giành ưu tiên cho Việt Nam bao gồm: (i) Thúc đẩy tăng trưởng, (ii) Cải thiện điều kiện xã hội và mức sống, (iii) Tăng cường thể chế. Đối với lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng thì viện trợ ODA của Nhật Bản được ưu tiên cho lĩnh vực giao thông  (giao thông nội địa và quốc tế), giao thông đô thị (như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, phát triển cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường), năng lượng điện (phát điện, mở rộng nhà máy điện chính và những trạm truyền tải điện, viễn thông...)

3. Các nhân tố tác động đến công tác quản lý ODA từ phía nhận tài trợ.

Các nhân tố thuộc bên nhận tài trợ cũng rất đa dạng. Trước hết là sự ổn định của thể chế chính trị. Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu thể chế chính trị ổn định sẽ tạo điều kiện cho việc thu hút và quản lý tốt nguồn vốn ODA.

Thứ hai là mức ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn phát triển kinh tế, đặc biệt là chính sách tài chính, thuế, mức độ mở cửa của nền kinh tế... cũng có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý. Nếu các chính sách này ổn định trong thời gian dài và hợp lý sẽ góp phần cho quản lý nguồn vốn ODA tốt và ngược lại, sẽ gây ảnh hưởng đến việc quản lý nguồn vốn này.

Một nhân tố không thể thiếu được đó là, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA. Nếu các văn bản này ổn định và phù hợp sẽ góp phần cho công tác quản lý tốt nguồn vốn ODA và ngược lại, sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý nguồn vốn này theo chiều hướng không tốt.

Các nhân tố như, trình độ phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là trình độ phát triển hệ thống thể chế kinh tế, các điều kiện có liên quan đến năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ hay tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng thời kỳ. Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cả người dân về nguồn vốn ODA mà trước hết là các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ sở thụ hưởng trực tiếp... cũng đóng vai trò là các nhân tố có ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý nguồn vốn ODA này của bên nhận tài trợ.

Ngoài ra còn có các nhân tố đặc thù liên quan đến lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Các nhân tố đặc thù này thể hiện ở điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trạng kết cấu hạ tầng đô thị Hà Nội, cũng có các nhân tố đặc thù khi triển khai các dự án ODA về xây dựng kết cấu hạ tầng theo từng giai đoạn phát triển.

Về mặt lý luận, cần lưu ý một số khía cạnh liên quan đến việc quản lý các dự án ODA về xây dựng kết cấu hạ tầng. Đó là, kết cấu hạ tầng thường là các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, gắn với một địa bàn rộng lớn. Khi triển khai dự án thường đòi hỏi công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư phải đi trước một bước, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thường có yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế nên phải tổ chức theo quy trình quản lý dự án xây dựng cơ bản với các yêu cầu về đấu thầu, về giải ngân, về giám sát kỹ thuật... những nét đặc thù này cùng với các nhân tố thuộc bên tài trợ, bên nhận tài trợ sẽ góp phần nghiên cứu thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nguồn vốn ODA ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

2. UBND thành phố Hà Nội (2003), quyết định của UBND thành phố Hà Nội, ban hành quy định về việc chuẩn bị, vận động, thu hút và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của thành phố Hà Nội.

3. UBND thành phố Hà Nội (2004), Nghiên cứu xây dựng quy trình theo dõi, đánh giá dự án và cơ chế thu hút, sử dụng vốn ODA để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của thành phố Hà Nội, Đề tài NCKH Sở KH&ĐT Hà Nội, mã số 01X-07/14-2004-1.

  • Tags: