Khi Worldpay được chia tách khỏi Royal Bank of Scotland sau cuộc khủng hoảng tài chính, nó chỉ là một mảng nhỏ của một bộ phận rất nhỏ với công nghệ lạc hậu mà gần như bị lãng quên bởi ngân hàng mẹ này. Chưa đầy 10 năm sau, cũng bộ phận nhỏ ấy được mua lại trong một thương vụ M&A dịch vụ tài chính lớn nhất kể từ cuộc suy thoái có giá trị lên tới 43 tỉ USD, tương đương với vốn hóa thị trường hiện nay của Royal Bank of Scotland.
Sự biến chuyển này, được thúc đẩy bởi cơn sốt thanh toán số và thương mại điện tử, đã đánh dấu một trong những thay đổi cơ cấu lớn nhất trong ngành dịch vụ tài chính kể từ cuộc khủng hoảng. Đặc biệt là nó đang thúc đẩy một cuộc đua M&A kỷ lục khi các doanh nghiệp tranh nhau giành một miếng bánh trên thị trường này.Worldpay được mua bởi Fidelity National Information Services (FIS) của Mỹ chưa đầy 1 năm sau khi Vantiv mua nó trong một thương vụ 9,3 tỉ bảng Anh vào tháng 1.2018. FIS cung cấp các công nghệ hỗ trợ cho ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Trong lĩnh vực thanh toán, phần mềm FIS xử lý những yêu cầu giao dịch từ các mạng lưới thanh toán như Visa va Mastercard và xử lý các công việc khác. Worldpay thì giúp kết nối cả các nhà bán lẻ truyền thống và nhà bán lẻ trực tuyến vào những mạng lưới thanh toán này. “Đây là một ngành tăng trưởng rất nhanh nên bạn cần phải nắm bắt được sự tăng trưởng đó”, Gary Norcross, Chủ tịch FIS, nhận định.
Trước đó 2 tháng, các đối thủ Fiserv và First Data đã đồng ý sáp nhập trong thương vụ 39 tỉ USD, nghĩa là năm 2019 đã trở thành năm thứ 3 liên tiếp chứng kiến giá trị thương vụ kỷ lục trong mảng thanh toán. Kể từ đầu năm nay, 30 thương vụ trị giá tổng cộng 85 tỉ USD đã được công bố, so với 49 tỉ USD trong cả năm 2018, theo Dealogic. Các chuyên gia phân tích cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi thương vụ mới đây nhất giữa Worldpay và FIS sẽ tạo thêm sức ép cho các công ty khác, buộc họ cũng phải M&A nhằm tránh bị bỏ lại đằng sau hoặc bị thay thế bởi những đối thủ mới.
“Đúng như dự báo, 2019 là năm M&A trong ngành fintech và đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán”, Stuart Bedford, đối tác tại hãng luật Linklaters, nhận xét. Ngành thanh toán từng bị thống lĩnh bởi các ngân hàng truyền thống, nhưng một tầng lớp các công ty mới trong lĩnh vực fintech đang tăng trưởng nhanh từ PayPal tại Mỹ cho đến Alipay ở Trung Quốc đang thách thức các đối thủ hiện tại, với việc cung cấp các dịch vụ thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn và dễ sử dụng hơn.
Gareth Wilson, đứng đầu mảng thanh toán toàn cầu tại Accenture, cho biết: “Xu hướng M&A trên thị trường dự báo sẽ còn tiếp tục, giúp các công ty thanh toán có thể tăng trưởng trên quy mô toàn cầu và cạnh tranh với những đối thủ mới trong ngành”. Các công ty thanh toán đại chúng có thể là ứng viên sáng giá cho các thương vụ thâu tóm như TSYS, Global Payments, Jack Henry và Adyen.
Trong thương vụ FIS và Worldpay, vụ giao dịch giúp FIS tăng cường mảng kinh doanh vẫn còn tương đối nhỏ là cung cấp các dịch vụ thanh toán cho các nhà bán lẻ và các công ty thương mại điện tử. Trong khi đó, sự hiện diện mạnh mẽ của FIS trên các thị trường đang tăng trưởng nhanh như Brazil và Ấn Độ cho Worldpay cơ hội tăng tốc bành trướng ra thế giới. Công ty sau sáp nhập dự kiến sẽ có tăng trưởng doanh thu hằng năm khoảng 6% khi thương vụ hoàn tất và lên tới 9% trong 3 năm, so với mức độ tăng trưởng 2 con số ở những thị trường ít phát triển hơn. Công ty dự kiến tạo ra giá trị liên kết về doanh thu hằng năm 500 triệu USD vào cuối năm thứ 3 và tiết kiệm thêm 400 triệu USD chi phí hằng năm.
Một nhà đầu tư cho rằng các công ty mới vừa niêm yết cũng có thể là một đích ngắm trong cuộc đua M&A. Tuần qua, Nexi (Ý) đã tuyên bố kế hoạch thực hiện một trong những đợt IPO lớn nhất châu Âu trong năm nay, trong khi Network International (UAE) đang chuẩn bị niêm yết ở London. Một nguồn tin thân cận với Nexi cho biết: “Nếu bạn hỏi tôi liệu tôi có tin rằng Nexi còn là quốc tịch Ý trong 5-10 năm nữa không, thì tôi không tin. Bởi xu hướng M&A đang diễn ra và Nexi sẽ là một phần của xu hướng đó”.