Tại Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế
giới (IMF-WB) tổ chức tại Bali, Indonesia ông Hammond cho biết, các
cuộc đàm phán Brexit đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy
“chúng tôi sẽ giữ một khoản dự phòng tài chính phù hợp để nếu cần chúng
tôi có thể hỗ trợ nhu cầu của nền kinh tế Anh."
Tuy nhiên, ông
Hammond không đưa ra con số dự phòng cụ thể, nhưng ông cho biết khoản này
có thể được sử dụng để hỗ trợ chi tiêu hoặc để cắt giảm thuế, hoặc trả
nợ.
Theo tờ Financial Times, Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc gặp với các quan chức thân cận tối 11/10 đã nói rằng nước Anh đã tiến rất gần đến một thỏa thuận lịch sử rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Giới
quan sát cho rằng cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh bà May đang phải
đối mặt với sự phản đối của những nghị sĩ đảng Bảo thủ hoài nghi châu Âu
vốn lo ngại kế hoạch Brexit của bà có thể khiến Anh mãi bị “kẹt” trong
Liên minh hải quan với EU.
Bất chấp sự phản đối của những quan
chức hoài nghi châu Âu đối với kế hoạch Brexit của mình, bà May kỳ vọng
sẽ có được sự ủng hộ từ phía các quan chức “thân tín” trong nội các của
bà, trong đó phải kể tới hai quan chức ủng hộ Brexit nhiệt thành nhất là
Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh, Michael Gove, và Bộ
trưởng phụ trách Các vấn đề Brexit, Dominic Raab.