OECD: Nền kinh tế toàn cầu đã quay trở lại như trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 5,8% trong năm nay và cho biết nền kinh tế toàn cầu đẫ trở lại mức hoạt động như trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
OECD
Nhà kinh tế trưởng của OECD bà Laurence Boone cho biết nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình hồi phục và đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh: Barron's)

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 5,8% trong năm nay và đạt mức 4,4% trong năm 2022, cao hơn so với mức tương ứng 5,6% và 4% được dự báo hồi tháng 3 vừa qua.

OECD cho biết triển vong kinh tế toàn cầu đang được cải thiện tích cực hơn khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy mạnh, cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ tung ra các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD cũng hỗ trợ tích cực đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Theo OECD, nền kinh tế toàn cầu đã trở lại mức hoạt động như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt được như mức kỳ vọng đề ra trước khi đại dịch xuất hiện.

“Nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình hồi phục, nhưng đối mặt với nhiều khó khăn. Rủi ro đang tăng lên về việc nền kinh tế toàn cầu có thể không sớm đạt được mức tăng trưởng như trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra hoặc sự phục hồi diễn ra không đồng đều”, bà Laurence Boone – nhà kinh tế trưởng của OECD nhận định.

Việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang cho phép các nền kinh tế phát triển dần sớm mở cửa trở lại nhưng nhiều nền kinh tế mới nổi lại đang đối mặt với việc phân bổ vaccine chậm và các đợt tái bùng phát của dịch bệnh.

OECD cũng cho biết các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển nên tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng tài chính và để lạm phát vượt qua ngưỡng mục tiêu. OECD nhận định công suất dự trữ trong nền kinh tế toàn cầu còn ở mức cao sẽ khiến tình trạng lạm phát cao khó có thể kéo dài. Việc giá nhiều loại hàng hoá tăng cao trong thời gian gần đây chủ yếu do những nút thắt cổ chai về nguồn cung khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Mặc dù bà Laurence Boone tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương sẽ không hoảng hốt trước sự tăng vọt tạm thời của lạm phát, nhà kinh tế trưởng của OECD bày tỏ sự lo ngại về thị trường tài chính với rủi ro lãi suất sẽ tăng lên và thị trường sẽ chịu sự biến động lớn hơn.

OECD khuyến nghị các chính phủ nên duy trì các khoản hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình và doanh nghiệp cho tới khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đạt tỷ lệ đủ lớn để hỗ trợ các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế.

Nhờ hàng nghìn tỷ USD kích thích kinh tế, OECD dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm nay. Con số này cao hơn mức 6,5% được dự báo trong tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, OECD lại điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ trong năm 2022 xuống mức 3,6%, giảm so với mức 4% được đưa ra trong lần dự báo gần nhất.

Các gói kích thích kinh tế của Hoa Kỳ được nhận định sẽ đóng góp tới 3 – 4 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế nước này và đóng góp 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu. Các gói kích thích kinh tế này được dự báo sẽ đưa nền kinh tế Hoa Kỳ trở lại mức trước khi đại dịch xảy ra vào giữa năm 2021.

Quang Đặng