Dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 5/2021 của nước này đã tăng chậm lại, đạt 51 điểm. Trong khi đó, PMI phi sản xuất, đo lường hoạt động xây dựng và dịch vụ, tăng lên mức 55,2 điểm. Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động đang trong trạng thái mở rộng.
Sự gia tăng mạnh giá hàng hoá nguyên vật liệu đầu vào trong giai đoạn gần đây được cho là đang bào mòn biên lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều nguyên liệu thô như quặng kim loại hoặc than đá.
Trong khi đó, số đơn đặt hàng mới từ thị trường nước ngoài trong tháng 5/2021 chỉ đạt 48,3 điểm, giảm so với mức 50,4 điểm của tháng trước, bất chất sự phục hồi mạnh tại Hoa Kỳ. Số việc làm được tạo ra trong lĩnh vực sản xuất cũng chỉ đạt 48,9 điểm, bằng chỉ số việc làm trong lĩnh vực phi sản xuất.
Ông Qu Hongbin, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại tập đoàn ngân hàng HSBC nhận định các dữ liệu cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và nước này đã vượt qua đỉnh phục hồi.
Trong khi đó, chuyên gia thống kê cấp cao Zhao Qinghe thuộc NBS cho biết các chỉ số phụ đối với khối doanh nghiệp nhỏ trong tháng 5 vừa qua chỉ đạt 48,8 điểm, thấp hơn mức 50,8 điểm trong tháng 4 trước đó. Điều này cho thấy doanh nghiệp sản xuất nhỏ vẫn thiếu động lực tăng trưởng bền vững, theo đánh giá của ông Zhao Qinghe.
Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cũng cho biết các chỉ số tổng hợp cho thấy động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong tháng 5 vừa qua. Chỉ số giá đầu vào của các nhà sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 5/2021 đã lên tới 72,8 điểm – mức cao nhất kể từ năm 2010.
Ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại hãng tư vấn China Renaissance Securities (Trung Quốc), nhận định việc giá nguyên vật liệu tăng cao đang cho thấy Trung Quốc đối mặt với rủi ro lạm phát sẽ tăng lên. Việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đã tác động xấu đến lợi nhuận của các doanh nghiệp nước này. Tâm lý của các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên thận trọng hơn; trong khi đó, doanh số bất động sản và xe ô tô giảm xuống.
Trong khi đó, ông Lu Ting, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại tập đoàn Nomura (Nhật Bản), cảnh báo các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang hình thành trong nửa cuối năm nay. Nhu cầu sẽ giảm xuống và động lực xuất khẩu sẽ suy yếu khi các nền kinh tế phát triển chuyển sang sử dụng dịch vụ nhiều hơn hàng hoá, theo nhận định của ông Lu Ting.
Tập đoàn Nomura dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay với dự báo GDP quý 4/2021 của nước này đạt 5,3%, thấp hơn mức dự báo 8,1% cho quý 2/2021. Theo tập đoàn Nomura, việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát thị trường bất động sản sẽ là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế; đồng thời, giá nguyên liệu thô tăng cao sẽ kìm hãm nhu cầu thực tế.
Ngành dịch vụ của Trung Quốc đã phục hồi trong năm nay nhờ các hạn chế đi lại tiếp tục được nới lỏng, giúp giải phỏng nhu cầu bị dồn nén. Tuy nhiên, tăng trưởng của tiêu dùng nội địa vẫn kém hơn so với tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp.