Nhịp độ cải cách kinh tế nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất không đồng đều giữa nhiều nước làm tăng nguy cơ tăng trưởng thấp ở một số nước công nghiệp hóa. Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) đã đưa ra cảnh báo trên trong một báo cáo trình bày tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Baden-Baden (Ba-đen Ba-đen), Đức, trong hai ngày 17-18/3.
Trong báo cáo thường niên mang tên "Hướng tới tăng trưởng", OECD nêu rõ trong vài năm trở lại đây, một số nền kinh tế hàng đầu thế giới thất bại trong nỗ lực cải cách kinh tế khi mức tăng trưởng sản xuất tại nhiều ngành nghề giảm sút, trực tiếp tác động đến thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, tổ chức này cũng ghi nhận tiến bộ của nhiều nước trong chiến lược tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Báo cáo khẳng định còn nhiều người, chủ yếu là phụ nữ, người di cư, người trẻ tuổi, không được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế ở những nước phát triển và mới nổi. Trong khi đó, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng gia tăng, niềm tin sụt giảm đang góp phẩn làm chậm lại quá trình toàn cầu hóa, khiến chủ nghĩa dân túy cực đoan và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy.
Các chuyên gia của OECD đánh giá cao nỗ lực cải cách nền kinh tế của các nước Áo, Bỉ, Brazil, Chile, Colombia, Pháp, Israel, Italy và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, báo cáo liệt kê danh sách các nước trì trệ trong vấn đề này như Australia, Indonesia và Slovenia, bên cạnh những nước có tốc độ tăng trưởng chậm lại so với 2 năm trước gồm Mexico, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Tây Ban Nha.OECD khẳng định mỗi nước đều có chính sách cải cách riêng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng nước, song mẫu số chung của giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững xuất phát từ nền tảng là người lao động và đổi mới, sáng tạo. OECD khuyến nghị chính phủ các nước cải thiện năng lực sản xuất thông qua phổ cập giáo dục, đào tạo chuyên môn, thúc đẩy cạnh tranh tự do và tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng./.