Ở Petrolimex, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) đã gắn kết giữa Petrolimex với các doanh nghiệp trong nước và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của doanh nghiệp này.
Trong những năm qua, Đảng bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) luôn nghiêm túc và tích cực thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường vụ Đảng ủy Petrolimex luôn chỉ đạo xây dựng và ban hành đầy đủ các nội dung về Cuộc vận động.
Hưởng ứng Cuộc vận động, Petrolimex không ngừng đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết với các đơn vị nhằm ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nước.
Trong giai đoạn 2020-2022, Petrolimex nhập mua từ 2 nhà máy khoảng 18,9 triệu m3/tấn xăng dầu, chiếm khoảng 70% tỷ trọng nhập mua của Petrolimex với trị giá khoảng 234 nghìn tỷ đồng. Petrolimex cũng là đơn vị tin cậy để các đơn vị trực thuộc Đảng ủy Khối tin tưởng mua hàng.
Bình quân hàng năm Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) tiêu thụ khoảng 170.000m3/tấn dầu tương đương gần 3.000 tỷ đồng; Tổng Công ty đường sắt (VNR) tiêu thụ khoảng 17.000m3/tấn dầu tương đương gần 300 tỷ đồng…
Để triển khai hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất 4 giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền hàng Việt
- Công tác tuyên truyền cần phải sâu rộng tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa; xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
- Thông qua tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư. Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung và của mỗi đơn vị, doanh nhiệp nói riêng góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Nội dung tuyên truyền cần bao gồm: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động; khẳng định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động; tuyên truyền phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động; Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nói chung nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động; biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực tham gia Cuộc vận động; Đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động.
Thứ hai, tạo lập chuỗi kết nối cung - cầu hàng Việt
- Việc triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, những cam kết của EU về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt đem đến xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao...
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. thúyMuốn vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chia sẻ, đoàn kết để phát triển thị trường trong nước, giữ niềm tin của người tiêu dùng.
- Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải nối lại hoặc tạo lập mới được chuỗi kết nối cung - cầu hiệu quả.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp, giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Thứ ba, nắm bắt nhanh xu thế thị trường
Các doanh nghiệp cần phải nắm bắt kỹ được xu thế của thị trường thế giới và trong nước, phù hợp với thị hiếu; thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm; nắm chắc tình hình cung - cầu, không sản xuất hàng hóa dư thừa; Kết hợp hiệu quả hình thức thức bán hàng trực tiếp và trực tuyến.
Thứ tư, đồng hành cùng doanh nghiệp
Chính phủ và các cấp bộ ngành cần có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho các doanh nghiệp những vấn vướng mắc liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh… để đảm bảo đúng quy định và pháp luật khi ưu tiên thực hiện Cuộc vận động.