Năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải gánh chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử, hầu hết các tỉnh ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn. Thiệt hại về kinh tế do sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp bị đình trệ và mất mùa là rất lớn.
Một trong những vấn đề lớn nhất được chỉ ra là do các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể là hạn hán và xâm nhập mặn là chưa đảm bảo và phù hợp. Bên cạnh các giải pháp về công trình, việc chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật phù hợp được xem là giải pháp then chốt để giúp sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL vượt qua khó khăn và vững bước phát triển.
Xuất phát từ thực trạng này, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã khởi xướng Chương trình Canh tác lúa thông minh, với sự tham gia chỉ đạo và phối hợp thực hiện của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL trong 2 năm 2016 và 2017.
Thành công nhất của chương trình này là ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nhất là các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất lúa. Thông qua việc tư vấn, chuyển giao của các nhà khoa học, hướng dẫn trực tiếp tại đồng ruộng của các cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân đã thực sự trở thành những “chuyên gia nhà nông” trên chính mảnh ruộng của mình.
Theo Phân bón Bình Điền, từ chương trình, rất nhiều giải pháp mới đã được ứng dụng vào thực tế canh tác, bao gồm: giảm giống gieo sạ xuống 80kg/ha bằng máy phun hạt giống và máy sạ hàng, quản lý dịch hại tổng hợp (40 ngày sau sạ không phun thuốc trừ sâu bệnh), rút nước giữa vụ, bón phân cân đối hợp lý theo nhu cầu cây lúa…
Hiệu quả canh tác trong các mô hình thật sự rất đáng ghi nhận, năng suất bình quân tăng 500 - 700 kg/ha, tiết kiệm chi phí sản xuất 1,2 - 1,9 triệu/ha, góp phần tăng lợi nhuận từ 3,5 - 5,9 triệu đồng/ha.
Canh tác lúa nói riêng, canh tác nông nghiệp nói chung thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp căn cơ nhất để ổn định sản xuất. Canh tác thông minh sẽ là nền tảng cho thành công, người nông dân, người trực tiếp sản xuất giữ vai trò trung tâm cho mọi vấn đề.
Qua nhiều năm chương trình canh tác lúa thông minh, rất nhiều giải pháp kỹ thuật đã được hội đồng khoa học kỹ thuật của Phân bón Bình Điền, các chuyên gia, các nhà quản lý nông nghiệp đúc kết được. Đây là những giải pháp được xem là phù hợp nhất trong tình hình hiện tại, và mong muốn sẽ chuyển giao đến bà con nông dân không những vùng trồng lúa mà còn nhiều nhóm cây trồng trọng điểm khác.
Từ thành công Chương trình Canh tác lúa thông minh, năm 2020 Phân bón Bình Điền tiếp tục ra mắt Câu lạc bộ Canh tác thông minh sẽ là mô hình chuyển giao mới được thí điểm xây dựng ở các tỉnh ĐBSCL. Đây sẽ là nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp tại các địa phương.
Những giải pháp canh tác hiệu quả nhất sẽ được các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật địa phương và Phân bón Bình Điền chuyển giao, cùng với đó là sự chia sẻ kinh nghiệm canh tác hiệu quả từ bà con nông dân, học tập ngay từ các mô hình hiệu canh tác nông nghiệp hay tại địa phương.
Công ty cũng hỗ trợ một số thiết bị, dụng cụ cơ bản trong sản xuất như: máy đo độ mặn, đo pH, kính lúp, loa, tài liệu kỹ thuật… để bà con nông dân có thêm phương tiện để giúp tăng hiệu quả trong sản xuất.
"Những vấn đề quan trọng nhất trong canh tác, các vấn đề “thời sự” bà con đang quan tâm, những giải pháp mới sẽ được lần lượt chuyển giao, chia sẻ đến bà con nông dân định kỳ hàng tháng", đại diện Phân bón Bình Điền cho biết, đồng thời chia sẻ mong muốn thông qua những câu lạc bộ này sẽ góp phần giúp bà con nông dân có thêm điều kiện để an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Các câu lạc bộ “Canh tác thông minh” sẽ triển khai trong năm nay:
1/ Huyện Thủ Thừa - Long An: cây ăn trái, cây lúa, hoa kiểng, rau màu - đơn vị phối hợp: Hội làm vườn và Hội nông dân tỉnh;
2/ Huyện Vĩnh Hưng - Long An: cây lúa, cây ăn trái - đơn vị phối hợp: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng;
3/ Huyện Giang Thành - Kiên Giang: cây lúa - đơn vị phối hợp: Phòng Nông nghiệp và Hội nông dân huyện Giang Thành;
4/ Huyện An Biên - Kiên Giang: lúa tôm - đơn vị phối hợp: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Biên;
5/ Huyện Châu Thành - Bến Tre: cây ăn trái - đơn vị phối hợp: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre.