Rất bổ ích và thiết thực.
Là chương trình giao lưu trực tiếp qua truyền hình, giữa khán giả - chủ yếu là nông dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp với đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp hùng hậu của chương trình, như: GS. TS Mai Văn Quyền, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, PGS.TS Mai Thành Phụng, TS Phạm Văn Dư, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, TS Đỗ Trung Bình, TS Nguyễn Xuân Trường, TS Tôn nữ Tuấn Nam, Ths Phan Văn Tâm, KS Ngô Ngọc Mỹ…
TS Phạm Văn Dư, nguyên phó cục trưởng, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, nói: Phân bón là yếu tố số 1 của sản xuất Nông nghiệp. Đồng hành và chia sẻ là chương trình đặc biệt chuyên bàn về dinh dưỡng cây trồng; cung cấp, chuyển giao cho nông dân những kiến thức kỹ thuật về sử dụng phân bón thiết thực, kịp thời, ứng dụng ngay vào sản xuất theo thời vụ, thời kỳ sinh trưởng của cây trồng, nhất là với cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình là nét đặc sắc của VTV Cần Thơ (sau này là các đài khu vực ở miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên), luôn bám sát chủ trương của Bộ về sản xuất theo GAP, cánh đồng mẫu lớn; về nâng cao chất lượng nông sản và sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường”.
Ông Nguyễn Văn Khôn ở xã Tân Thuận, huyện Tân Hòa, Đồng Tháp, chia sẻ: “Bón phân cho cây trồng theo đúng hướng dẫn trên truyền hình là tụi tôi giảm được chi phí mua phân, mà vẫn giữ, thậm chí còn tăng được năng suất cây trồng, tăng được chất lượng sản phẩm, bán được giá, lãi nhiều hơn, thấy rõ.” Ông Huỳnh Thành Lễ, ở ấp 5A, xã Ba Trinh, Kế Sách, Hậu Giang, nói: “Chương trình đã len tới tận vùng sâu, vùng xa quê tôi. Nó rất thời sự mà cũng rất cơ bản lâu dài vì nó cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật phổ thông cho nhà nông. Tôi áp dụng cách bón phân Đầu Trâu đúng như hướng dẫn, kết quả cả năng suất và chất lượng trái cây đều tăng. Năm rồi, nhân có hội chợ, tôi mang 4 mẫu trái cây vườn nhà đi thi, đoạt 3 giải (2 giải nhì, 1 giải khuyến khích), trên tổng số 56 giải trái cây ngon toàn quốc. Thiệt mừng hết sức. Cám ơn Công ty Phân bón Bình Điền và Nhà đài VTV Cần Thơ đã tổ chức ra một chương trình nhiều lợi ích cho nông dân tụi tôi.”
Làm cho chương trình luôn tươi mới, bổ ích và thiết thực là yêu cầu, trăn trở thường trực của ban tổ chức. Vào vụ Đông xuân 2013- 2014, mục mới “Từ ruộng vường đến trường quay”, được thí điểm tại xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Mô hình là 1 hộ nông dân, canh tác trên ½ ha đất trồng lúa, được đầu tư 100% chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV). Cứ 2 tuần/lần chương trình đưa các nhà khoa học xuống, xem sổ nhật ký đồng ruộng, nghe nông dân nói, hỏi về sự phát triển của cây lúa trong mô hình, sau đó lội ruộng, trao đổi trực tiếp với nông dân, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây lúa thời gian tiếp theo. Hình ảnh và thông tin chuyển giao kỹ thuật giữa nhà khoa học với nông dân, cũng như phản hồi của nông dân về kỹ thuật và công tác quản lý nhà nước… được phát hình ngay sau đó để nông dân toàn vùng cùng nhận biết, đối chiếu với sự phát triển của cây lúa nhà mình mà làm theo hướng dẫn của các nhà khoa học. Thành công của mô hình ngay sau vụ thí điểm, với số lãi thu được trên 50% cho hộ nông dân, và hình ảnh sống động trên truyền hình có sức lan tỏa lớn…đã đưa ban tổ chức tới quyết định nhân rộng mô hình ra khắp 13 tỉnh thành Nam bộ vào vụ Đông xuân 2014- 2015.
GS-TS Mai Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khoa học Cty Phân bón Bình Điền, nguyên Phó viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, bày tỏ: “Khi nhận được câu hỏi, thư hỏi của nông dân, tôi đều ráng thu xếp thời gian để tập trung trả lởi bà con sao cho nhanh nhất, đầy đủ nhất. Vì có những câu hỏi nếu không trả lời nhanh thì không còn tác dụng giải đáp nữa, như: Tôi xạ lúa đã 18 ngày, giờ bón phân đợt 2 thì cần phân gì là tốt nhất? 18 ngày tuổi là đúng lúc bón phân đợt 2 cho lúa rồi, phải trả lời liền bằng điện thoại mới kịp cho bà con.”
Bình điền luôn nỗ lực, sáng tạo vì nông dân
Đó là phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên viện trưởng Viện KHNN Việt Nam. “Mặc dù nội dung không mấy hấp dẫn nếu không nói là khô khan, nhưng chương trình đã “sống” được, chứng tỏ nó có sức sống. Ở góc độ quản lý khoa học, chúng tôi rất cảm động trước việc làm của một số doanh nghiệp, như Cty Bình Điền. Những năm qua, nhà nước không có đầu tư gì nhiều cho công tác nghiên cứu khoa học, nhất là về phân bón, trong khi Bình Điền rất năng động, luôn có tầm nhìn xa, gắn kết chặt chẽ với các nhà khoa học, đưa nhanh những tiến bộ khoa học từ nước ngoài về, sản xuất ra những sản phẩm phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp với từng vùng đất, từng loại và từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng với tiêu chí “giảm lượng bón, giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đạt năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, lại góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái; như các sản phẩm có phối trộn hoạt chất Agrotain, Avail, penac…rồi đưa ra thực đơn chính xác cho cây trồng và đưa đến cho nông dân bằng nhiều con đường, với những nỗ lực rất cao, mà chương trình ĐH&CS này là một kênh chuyển giao kỹ thuật hữu dụng”- Ông Bộ nói.