Do chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể, phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ đọng thuế, số nợ thuế có xu hướng tăng lên. Trước tình hình đó, để đảm bảo nguồn thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng thuế như:
Thứ nhất, tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung rà soát, phân loại những NNT bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng.
Thứ hai, tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn NNT thuộc đối tượng được gia hạn theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đúng thời hạn quy định. Trường hợp NNT gửi Giấy đề nghị gia hạn sau thời điểm khóa sổ kế toán thuế thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh tiền chậm nộp kịp thời cho NNT.
Thứ ba, đối với các trường hợp NNT nợ thuế chây ỳ, kéo dài, các Cục Thuế thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện rà soát, thu thập, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội và hướng dẫn tại Thông tư số 69/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN, đảm bảo xử lý đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự, thủ tục chặt chẽ và xử lý được tối đa số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với UBND các cấp và các cơ quan liên quan như: kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, công an, tòa án... trong việc thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN và xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế đã tập trung triển khai nhiều biện pháp để xử lý tình trạng nợ đọng thuế. Trong đó, ngành Thuế đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế (NNT) để nâng cao tính tuân thủ của NNT trong việc thực hiện các quy định nộp thuế. Tổ chức theo dõi sát tình hình kê khai của NNT để đôn đốc nộp kịp thời vào NSNN, phân loại nợ, giám sát chặt chẽ các khoản nợ thuế.
Căn cứ đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa phương, Tổng cục Thuế chỉ đạo cho các Cục Thuế giao chỉ tiêu thu nợ và ban hành thông báo nợ thuế gửi NNT để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ. Đồng thời, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ (trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) đối với NNT chây ỳ nợ thuế kéo dài và những trường hợp có dấu hiệu tẩu tái tài sản, bỏ trốn theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế công khai thông tin NNT dây dưa, chây ỳ nợ thuế; phối hợp xây dựng phương án xử lý nợ thuế trên địa bàn báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo sự đồng thuận cao và phối kết hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn để xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Với những giải pháp căn cơ được ngành Thuế tập trung triển khai trong nhiều năm qua, theo đó, số thu hồi nợ đọng thuế tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân thu đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi, hàng năm còn lại khoảng 20% chủ yếu là số nợ gối đầu luân chuyển và do NNT gặp khó khăn chỉ thực hiện nộp được các khoản nợ tiền thuế, chưa nộp được khoản tiền phạt, tiền chậm nộp hoặc các trường hợp cơ quan thuế đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nhưng NNT mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể, không còn khả năng nộp.