Phân tích kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2000 – 2015

Phan Thị Cẩm Giang (Chuyên viên Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đi đầu trong trong phát triển kinh tế - xã hội với qui mô ngày càng lớn, có vai trò quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của cả nước. Trong giai đoạn 2000 – 2015, thành phố có nhiều cố gắng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành với hai khu vực quan trọng là công nghiệp và dịch vụ, trong đó, dịch vụ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất. Thành phố đã cơ bản phấn đấu trở thành thành phố có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở nước ta.

Từ khóa: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2000 - 2015

Từ năm 2000 đến 2015, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng bình quân 10.50%/năm, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chung của cả nước trong giai đoạn này là 6.84%/năm.

Quy mô kinh tế của thành phố ngày được nâng cao hơn, tỷ trọng đóng góp vào kinh tế chung của cả nước không ngừng tăng lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố liên tục tăng cao đạt mức hai con số từ năm 2000 đến năm 2007. Năm 2008, nền kinh tế thành phố chịu ảnh hưởng của biến động giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu; thị trường tài chính tiền tệ biến động phức tạp, khủng hoảng kinh tế thế giới và những bất lợi về thời tiết cho sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế. Do đó, tốc độ tăng truởng kinh tế của thành phố cả năm 2008 chỉ đạt 10.7%, thấp hơn mức tăng 12.6% của năm 2007 và không đạt kế hoạch do thành phố đề ra là từ 12.7 - 13%, tuy nhiên vẫn cao hơn mức chung của cả nước là 6.23%.

Nền kinh tế thành phố khôi phục lại nhanh chóng vào năm 2009 với tốc độ tăng trưởng kinh tế 11.8% (so với năm 2008 là 8.6%). Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và những biến động của kinh tế thế giới thì từ năm 2011 đến 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ đạt 9.6%, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2011 - 2015 là 12%. Tuy tốc độ tăng trưởng có thấp hơn so với kế hoạch nhưng chỉ số TFP (năng suất yếu tố tổng hợp) liên tục tăng trong nhanh trong hai năm 2011 - 2015 (năm 2011 đạt 29.1%, năm 2012 đạt 30.1%, trong khi đó bình quân 5 năm 2006-2010 là 17.4%) cho thấy chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thành phố ngày càng được nâng lên.

2. Chuyển dịch cơ cấu ngành

Một cách khái quát, trong suốt giai đoạn từ năm 2000 đến 2015 quá trình chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ diễn ra còn chậm chạp. Có thể chia ra các giai đoạn cụ thể: Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010 và giai đoạn 2011 đến năm 2015 để thuận tiện nghiên cứu.

Giai đoạn 2000 - 2010, tỷ trọng của ngành Nông nghiệp có giảm tương đối từ 2.0% năm 2000 xuống còn 1.1% năm 2010. Tỷ trọng ngành Công nghiệp không có thay đổi mấy về tỷ trọng (45.5% năm 2000 và đến năm 2010 là 45.3%), Tương tự ngành Dịch vụ trong giai đoạn này có xu hướng tăng lên (52.6% năm 2000 và đến năm 2010 là 58.4%) nhưng tỷ trọng cũng không thay đổi đáng kể dù có dấu hiệu khởi sắc từ năm 2003. (Biểu đồ 1.2)

So với chỉ tiêu đặt ra của thành phố đến năm 2015 (tỷ trọng ngành Dịch vụ trong GDP phải là 57%, ngành Công nghiệp là 42% và ngành Nông nghiệp chiếm 1%) thì trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ cấu kinh tế thành phố đã có chuyển biến rõ nét theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, tỷ trọng ngành Dịch vụ năm 2010 chiếm 53.6% đã tăng lên 58.6% năm 2012 và 2013 là 58.4%. Tỷ trọng ngành Công nghiệp, Xây dựng có xu hướng giảm dần từ 45.3% năm 2010 còn 40.6% năm 2015. Ngành Nông nghiệp duy trì tỷ trọng 1.0% trong cơ cấu GDP giảm hơn so với các năm trước (năm 2010 chiếm 1.1%, năm 2012 chiếm 1.2%).

Cũng theo báo cáo này, trong 5 năm 2011 - 2015, tỷ trọng cũng như giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp vượt chỉ tiêu theo kế hoạch, tập trung phát triển, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, kết hợp xây dựng nông thôn mới. (Bảng 3)

Trong 5 năm 2011 - 2015, giá trị gia tăng của hai ngành Công nghiệp và Dịch vụ không đạt chỉ tiêu đề ra do những vấn đề khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới.

Tuy nhiên ngành Dịch vụ vẫn giữ được tốc độ phát triển trên 10% (11.1%). Các ngành dịch vụ trọng yếu có tốc độ phát triển nhanh như Thông tin, Truyền thông (20.9%), Dịch vụ tư vấn, Khoa học công nghệ (18.5%), Thương mại (12.6%).

3. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành

3.1. Ngành Dịch vụ

Sau 41 năm giải phóng (từ năm 1975-2016), là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nền kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu dựa vào hai khu vực công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, khu vực dịch vụ đã được xác định là thế mạnh số một của thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Biểu đồ 1.4, ta thấy ngành Dịch vụ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu phát triển khởi sắc từ năm 2003. Trong các năm từ năm 2003 đến năm 2012, tỷ trọng các ngành dịch vụ năm sau đều cao hơn năm trước nhưng tăng chậm; riêng năm 2013 đã có sự thay đổi tỷ trọng đáng kể, hơn hẳn các năm trước (năm 2013 chiếm 58.4% và năm 2012 là 53.5%) và vượt cả mức chỉ tiêu đặt ra vào năm 2015 là 57% (thực tiễn năm 2015 đạt 59,4 và năm 2016 đạt 59,6 %). Có thể thấy rõ ngành Dịch vụ đã có những bước tiến mang tính đột phá, khẳng định quá trình tăng tốc mới và có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP của thành phố.

Về tỷ trọng các lĩnh vực trong ngành Dịch vụ, ba lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất đó là thương mại, tài chính ngân hàng và vận tải kho bãi. Trong đó, thương mại là lĩnh vực có tỷ trọng cao nhất trong ngành Dịch vụ, ba năm có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 12.6% năm 2011, 12.6% năm 2012, 8% năm 2015. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là lĩnh vực có tỷ trọng cao thứ hai, tốc độ tăng trưởng 23% năm 2011, -2.3% năm 2012 và 8% trong năm 2015. Vận tải kho bãi năm 2011 có tốc độ tăng trưởng 13.2%, năm 2012 là 12% và năm 2015 là 8.6% chiếm tỷ trọng 14.3%. Trong 5 năm qua, thành phố đã hoàn thành nhiều công trình giao thông, trong đó có nhiều công trình trọng điểm, có quy mô lớn như đường hầm sông Sài Gòn, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tuyến đường trục Bắc - Nam giai đoạn I, Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi,... và tiếp tục cho khởi công nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng khác. Nhờ đó lĩnh vực vận tải kho bãi luôn duy trì được tỷ trọng tăng dần qua các năm và hiện nay chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 trong ngành Dịch vụ.

Tóm lại, ba lĩnh vực này luôn giữ tỷ trọng cao và tăng dần qua các năm trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015. (Biểu đồ 1.5)

Xét về tốc độ tăng trưởng, các lĩnh vực thông tin tuyên truyền, dịch vụ tư vấn - khoa học công nghệ, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế, du lịch đều có dấu hiệu tăng trưởng tốt; giai đoạn 2011-2015 đều tăng cao hơn so với các giai đoạn trước.

Có tốc độ tăng trưởng cao nhất là lĩnh vực thông tin tuyên truyền (2011 tăng trưởng 16,1%; năm 2012 tăng trưởng 26,8%; năm 2015 tăng trưởng 20%). Lĩnh vực Dịch vụ tư vấn, khoa học công nghệ là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao thứ hai với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 20.1% năm 2011, 20% năm 2012, 15.6% năm 2015.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Do gặp nhiều khó khăn, phân khúc của thị trường bị "đóng băng" từ năm 2011 nên thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong ngành Dịch vụ. Năm 2011 tốc độ tăng trưởng âm (- 19%), năm 2012 có tốc độ tăng trưởng 5%, năm 2015 ước tốc độ tăng trưởng âm (-0,8%). Tuy nhiên dựa vào tốc độ tăng trưởng cũng nhận thấy hiện nay lĩnh vực bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi so với năm 2011. (Biểu đồ 1.6)

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong ngành Dịch vụ nhưng lại có tốc độ tăng trưởng thấp thứ 2 trong ngành. Điều này được lý giải bởi những năm qua hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, hoạt động tín dụng tăng trưởng chậm, hàng hóa tồn kho cao và thị trường bất động sản đình trệ chưa có khả năng phục hồi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động tài chính, tín dụng của ngân hàng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng các năm là 23% năm 2011, -2.3% năm 2012 và 8% năm 2015 cũng cho thấy dấu dấu hiệu phục hồi khả quan của lĩnh vực này.

Tóm lại, với tốc độ tăng trưởng tốt của lĩnh vực thông tin tuyên truyền, dịch vụ tư vấn - khoa học công nghệ, tài chính, ngân hàng, thương mại, vận tải, giáo dục đào tạo, y tế, du lịch ngành dịch vụ; cùng với những dấu hiệu phục hồi của lĩnh vực tài chính và bất động sản; đặc biệt là tỷ trọng ngành dịch vụ trong tổng GDP của thành phố vượt chỉ tiêu đề ra cho thấy ngành dịch vụ đang tăng trưởng hợp lý và đúng định hướng đề ra.

3.2. Ngành Công nghiệp

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đang chậm lại. Từ năm 2003 đến nay, tỷ trọng của ngành Công nghiệp liên tục giảm qua các năm. (Biểu đồ 1.7)

Trong giai đoạn 2000 - 2005, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm, chiếm tỉ trọng gần 30% so công nghiệp cả nước, đến giai đoạn 2006 - 2010 giá trị sản xuất là 12,6%/năm. Qua hai giai đoạn này, công nghiệp thành phố mới đạt được sự thay đổi về số lượng và còn chậm thay đổi về chất lượng. Những ngành có tỷ trọng lớn vẫn là những ngành thâm dụng lao động; còn những ngành có hàm lượng chất xám cao (điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí chế tạo). Tuy có tăng, nhưng tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ phát triển giá trị sản xuất khu vực công nghiệp bình quân 7.7%/năm.

Nhìn chung, tốc độ phát triển của ngành Công nghiệp tăng nhanh từ năm 2000 đến 2007, nhưng từ năm 2008 đến những năm gần đây ngày càng có xu hướng chậm lại. Về chuyển dịch nội bộ ngành Công nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành Công nghiệp bao gồm các ngành công nghiệp trọng yếu 57.9% (năm 2015), trong đó: dẫn đầu là Hóa dược, Cao su, Nhựa 19.1%, thứ hai là Cơ khí chế tạo 17.5%, Chế biến lương thực thực phẩm 16.4% và Điện tử - Viễn thông - Tin học là 4.9%. Hai ngành công nghiệp truyền thống là Dệt may và Giày da chiếm 18% tỷ trọng ngành Công nghiệp. Sản xuất của bốn ngành công nghiệp trọng yếu: Điện - Điện tử, Cơ khí, Hóa - Nhựa, Chế biến tinh lương thực - thực phẩm được tập trung đầu tư để phát triển nhanh, ngày càng tăng trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành và có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của khu vực công nghiệp.

Theo báo cáo sơ kết Chương trình Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố thì quy mô sản lượng sản xuất của ngành Điện tử - Công nghệ thông tin chiếm khoảng trên 27%; chiếm tỷ trọng trên 39% đối với ngành Hóa chất và trên 45% đối với ngành Cao su, Nhựa so với cả nước. (Xem biểu đồ 1.8)

Từ Biểu đồ 1.8, có thể nhận thấy các ngành: Chế biến lương thực thực phẩm, Dệt may và Giày da có tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm đáng kể. Điều này cho thấy những ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động giảm dần và chuyển dịch về các tỉnh lân cận.

Tuy tốc độ tăng trưởng của ngành Chế biến lương thực thực phẩm giảm mạnh từ 21.9% năm 2011 xuống 6.7% năm 2015 nhưng đây là sự giảm dần đầu tư theo chiều rộng và tập trung đầu tư theo chiều sâu bằng cách đưa công nghệ sản xuất mới, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm tinh chế, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Trong khi tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên giảm dần thì tỷ trọng các ngành điện tử - công nghệ và hóa chất cũng tăng trong 3 năm qua. Điều này chứng tỏ công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, lợi thế cạnh tranh có xu hướngtăng dần trong cơ cấu của ngành Công nghiệp.

Nhìn chung, tốc độ phát triển của ngành Công nghiệp có xu hướng ngày càng giảm nhưng chuyển dịch nội bộ các ngành trong Công nghiệp lại cho thấy một bước phát triển tốt để tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tránh dàn trải và ngày càng hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao hơn.

3.3. Ngành Nông nghiệp

Xét về tỷ trọng, ngành Nông nghiệp có xu hướng ngày càng giảm. Sau 15 năm tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống từ 2.0% năm 2000 xuống 1.0% trong năm 2015 (đạt mục tiêu đề ra cho thành phố đến năm 2015).

Theo báo cáo của thành phố, giá trị sản xuất tăng bình quân 5,9%/năm trong 5 năm 2011-2015, cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp thành phố giai đoạn 2011 - 2015 (chỉ tiêu giá trị sản xuất tăng bình quân 6%/năm). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Tỷ trọng các ngành đến cuối năm 2015 so với năm 2011 như sau: Trồng trọt từ 24.7% tăng lên 27.9%; Chăn nuôi giảm từ 46.9% còn 39.1%; Thủy sản từ 20.5% lên 25.8%; Lâm nghiệp từ 1.1 còn 0.9%.

Tóm lại, ngành Nông nghiệp của thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống cây, giống con; chuyển dịch cơ cấu sang các loại cây, con mới phù hợp với đặc thù của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái. Ngành Trồng trọt đã chuyển dịch đúng hướng, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích các loại cây trồng đem lại giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích như trồng hoa, rau an toàn, cỏ chăn nuôi và cây công nghiệp hàng năm; ngành Chăn nuôi cũng đang chuyển sang nuôi các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

4. Kết luận

Giai đoạn 2000 - 2015 tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn này được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ suy thoái kinh tế thế giới 1929 - 1933. Điều này đã tác động bất lợi đến kinh tế cả nước nói chung và thành phố nói riêng. Trước tình hình đó, thành phố Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo nỗ lực phấn đấu trên nhiều mặt; tập trung một số giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, cụ thể như sau: Kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, lạm phát được kiểm soát, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực, thị trường phát triển ổn định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo sơ kết Chương trình Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của UNND thành phố Hồ Chí Minh. Cổng Thông tin điện tử UBND thành phố Hồ Chí Minh.

2. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh: Thống kê kinh tế - xã hội giai đoạn 2000 - 2016.

3. Đề tài Khoa học cấp cơ sở Trọng điểm Học viện Hành chính Quốc gia (2015): “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh”.

Analyzing the results of economic restructuring in Ho Chi Minh City in the period 2000-2015

PHAN THI CAM GIANG

Labour, War invalids and Social Affairs Department of Can Tho

ABSTRACT:

Ho Chi Minh City is a leading city in the socio-economic development, playing an important role in contributing to the country's growth. In the period 2000 - 2015, the city had made great efforts in shifting the economic structure into two important areas, namely, industry and services, of which service is the fastest growing area. The city has basically striven to become a city with economic structure of service, industry and agriculture in the orientation of industrialization and modernization.

Keywords: Economic restructuring, Ho Chi Minh City.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây