Đổi mới cách tiếp cận
Sau khi thông tin “cán bộ ngành Công Thương đi lễ chùa trong giờ hành chính” được phát trong bản tin Thời sự của Đài THVN lúc 19h ngày 7 tháng 2, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh làm rõ. Hơn 1 tiếng sau, đến 21 giờ cùng ngày, báo cáo nhanh từ Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Qua kiểm tra đã xác định: có việc cán bộ thuộc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến thương mại xuất hiện trong bản tin mà VTV phản ánh.
Cũng ngay trong tối ngày 7 tháng 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại giải trình vụ việc trên và báo cáo lại lãnh đạo Bộ trong sáng ngày 8 tháng 2. Đến chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã ra Quyết định số 376/QĐ-BCT thành lập Hội đồng kỷ luật do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Chủ tịch để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật.
Phản ứng mau lẹ cho thấy tinh thần lãnh nhận trách nhiệm của Bộ Công Thương trước dư luận xã hội. Phản ứng kịp thời cũng là yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công Thương đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ, nhất là với các chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Trong cuộc họp giao ban ngày 6 tháng 2, sau khi nghe Cục XNK thông báo kết quả đáng khích lệ của tháng 1 năm 2017: Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,6% (tháng 1 năm 2016 tăng 2,2% so với cùng kỳ 2015), Bộ trưởng lưu ý, năm nay xuất khẩu là lĩnh vực rất “nóng”, chúng ta không chỉ phải đối đầu với xu thế bảo hộ mậu dịch trên thế giới với quy mô và mức độ lớn hơn, mà còn chịu tác động của việc Hoa kỳ tuyên bố rút khỏi TPP hay nước Anh rời EU (Brexit).
Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục XNK,
Cục Quản lý cạnh tranh và các Vụ thị trường khu vực phải nhanh chóng nghiên cứu,
đánh giá thấu đáo; dự báo được những diễn biến và tác động có thể ảnh hưởng đến
xuất khẩu nước ta, nhất là với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da
giày, hay lĩnh vực chế biến chế tạo, trong có chế biên nông sản. Đồng thời, đưa
ra những khuyến nghị về điều chỉnh chính sách, định hướng phát triển thị
trường; những phương án, mô hình mới nhằm thúc đẩy thương mại song phương với
Hoa Kỳ, Anh và những nước khác trong bối cảnh mới.
Đối với sản xuất trong nước, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, mà trước mắt ở đây là Dự thảo sửa đổi Nghị định 19 về kinh doanh khí, hay sửa đổi Nghị định 109 kinh doanh xuất khẩu gạo phải đổi mới quan điểm tiếp cận trong khi đặt ưu tiên cho cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Phải nhìn trên góc độ mới để giải phóng lực lượng sản xuất, mà vẫn đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Vậy cái “van” ở đây là gì sẽ phải được cân nhắc, thể hiện rõ ở những nghị định sửa đổi.
Cũng trong mạch tư duy giải phóng sức sản xuất, Bộ trưởng cho rằng, phải đổi mới cách tiếp cận, không thể cứ xây dựng một nghị định, hay một chương trình, là coi như xong việc. Mà phải đôn đốc, phối hợp tổ chức thực hiện. Cụ thể, việc xây dựng những đề án phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm, hay công nghiệp hỗ trợ cần theo mô hình gắn với vai trò của mọi thành phần doanh nghiệp. Ví dụ như Công ty CP ô tô Trường Hải đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các tập đoàn Hàn Quốc để sản xuất máy nông nghiệp; trong khi chúng ta chưa tính tới cơ chế chính sách và xây dựng các đề án có khả năng phát huy vai trò của mọi thành phần doanh nghiệp có điều kiện. Bộ trưởng cũng thúc giục các đơn vị chức năng thuộc Bộ bàn thảo với địa phương, với doanh nghiệp lớn tìm cách thực hiện những đề án lớn có hiệu quả.
Trách nhiệm tham mưu
Tại cuộc họp giao ban ngày 6 tháng 2 nói trên, Bộ trưởng tiết lộ một bí mật thú vị: “Suýt nữa chúng tôi hoãn cuộc giao ban hôm nay để kiểm tra hoạt động của dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại Cổng của Bộ Công Thương. Vì có phản ánh rằng, một số đơn vị có DVCTT nhưng vẫn duy trì tiếp nhận văn bản bằng giấy”.
Bộ trưởng đưa ra cảnh báo rằng, chắc
chắn sau này sẽ có những cuộc kiểm tra đột xuất và thường xuyên đối với DVCTT
trên cổng Bộ. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề cao trách nhiệm và vai trò tham mưu của
các đơn vị chức năng. Như đối với DVCTT, các đơn vị phải tham mưu như xây dựng kế hoạch kiểm tra, tập hợp những
bất hợp lý (nếu có) về tổ chức thực hiện, về nguồn lực, về kỹ thuật và đề xuất
giải pháp xử lý. Đồng thời, khi cung cấp DVCTT, tức là đã đơn giản hóa khâu
tiền kiểm, thì phải tham mưu cho việc hậu kiểm, nhất là với những lĩnh vực nhạy
cảm như khai báo hóa chất, xúc tiến thương mại; đặc biệt là việc phân cấp thanh
tra, kiểm tra cho địa phương.
Đối với công tác CPH, thoái vốn tại DNNN và rà soát các dự án điện chậm tiến độ trong Tổng sơ đồ VII, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan có trách nhiệm phân tích tình hình, dự báo diễn biến và đề xuất giải pháp để lãnh đạo Bộ có đầy đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định.
Phản ứng mau lẹ với những chính sách có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đời sống nhân dân; và tham mưu kịp thời là những yêu cầu mà lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra đối với thủ trưởng các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi những quyết sách chính xác, kịp thời, phù hợp với diễn tiến của tình hình mới.