Nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, với số lượng hồ sơ xử lý trên môi trường mạng đạt hơn 700.000 hồ sơ/năm, với các dịch vụ công trực tuyến tiêu biểu như: cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý khoảng 600.000 bộ hồ sơ điện tử/năm; đồng thời chuyển hơn 90.000 bộ hồ sơ điện tử tới cơ chế một cửa quốc gia; cấp xác nhận khai báo hóa chất 60.000 bộ hồ sơ điện tử/năm; cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép 9.000 bộ hồ sơ/năm; đăng ký thông báo website điện tử 4.000 hồ sơ/năm. Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên kết nối và có nhiều đóng góp đến Cổng thông tin một cửa quốc gia. 100% doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trên Công thông tin một cửa quốc gia không cần phải đến Bộ Công Thương để xin giấy phép. Đối với các thủ tục này, sau khi hệ thống chuyên ngành của Bộ Công Thương phê duyệt hồ sơ trực tuyến thì giấy phép sẽ được gửi dưới dạng điện tử đến Công thông tin một cửa quốc gia.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương là một trong những Bộ được đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành và triển khai dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi Bộ quản lý. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo đưa ra các giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nhanh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra dán nhãn năng lượng. Cụ thể, phối hợp với Tổng cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị dán nhãn năng lượng. Theo đó, cho phép doanh nghiệp thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa phải dán nhãn năng lượng và kiểm tra mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; thành lập Phòng tiếp nhận và xử lý hồ sơ dán nhãn năng lượng tại Tổng cục Năng lượng theo cơ chế một cửa; triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để giảm thiểu thời gian đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng cho doanh nghiệp; triển khai xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07 năm 2012; hoàn thành dự thảo 2 thông tư để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt và ban hành trong tháng 12/2016.
Tuy nhiên, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ được triển khai trong nhiều giai đoạn khác nhau dẫn đến việc các dịch vụ công trực tuyến này được triển khai các nền tảng công nghệ khác nhau trên website riêng biệt.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai dịch vụ công trực tuyến đánh giá chứng nhận và dán nhãn năng lượng ở mức độ 4. Tại mức độ này, doanh nghiệp xin chứng nhận và dán nhãn năng lượng sẽ không cần phải đến cơ quan Bộ để nộp hồ sơ mà có thể khai báo hồ sơ trên mạng. Và việc trả kết quả cũng được thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện cho các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệpBộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính của Bộ, Bộ Công Thương đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương để tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3 và 4 của Bộ tại một cửa duy nhất. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến là một cố gắng lớn của các đơn vị thuộc Bộ, nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệp.
“Cán bộ của Bộ Công Thương và các bộ ngành tiếp tục những nỗ lực chung cho cải cách hành chính trong các hoạt động cụ thể, trong các chức năng quản lý nhà nước, trong các nhiệm vụ để thực hiện những chức năng của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động để tạo thuận lợi cho ngươi dân, cộng đồng doanh nghiệp, từng người tiêu dùng để xã hội có điều kiện phát triển và phát triển bền vững”, Bộ trưởng mong muốn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Chắc chắn đây không phải là hoạt động cuối cùng mà còn có rất nhiều những nỗ lực và những bước triển khai sắp tới. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định ban hành Chương trình cải cách hành chính. Bên cạnh đó, là những hoạt động hướng tới tiếp tục tái cơ cấu của Bộ Công Thương, xây dựng bộ máy tinh giảm, gọn nhẹ, có hiệu quả trong thời gian tới và đang báo cáo Chính phủ. Đây chắc chắn là những hoạt động, giải pháp có tính đồng bộ để giúp cho Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương tiếp tục phát huy vai trò và thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để có hiệu quả cao hơn, hiệu lực tốt hơn trong quản lý nhà nước cũng như phục vụ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập rất sâu rộng trong năm 2017, 2018 và những năm tới.
Bộ trưởng cam kết: Bên cạnh tinh thần đổi mới, cải cách xuyên suốt, Bộ Công Thương sẽ dành nguồn lực cao nhất để đáp ứng những yêu cầu cải cách hành chính cũng như hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến này và hàng loạt những công việc khác liên quan. Bộ Công Thương sẽ xây dựng những bộ tiêu chí căn cứ trên thước đo đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức kinh tế xã hội, doanh nghiệp để xác định, đánh giá hiệu quả cải cách hành chính. Các đơn vị trong Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung nguồn lực cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ công chức tiếp tục tham gia để làm tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước, mặt khác đóng góp vào sự hoàn thiện và vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo chức năng phục vụ của Bộ Công Thương, cũng như của Chính phủ.
Việc kết nối dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương đến với các hệ thống của Chính phủ và các bộ ngành khác nhằm tăng khả năng trao đổi, liên thông thông tin giữa các đơn vị giúp doanh nghiệp không phải khai báo quá nhiều hồ sơ, chứng từ tại các cơ quan nhà nước khác nhau.
Đi cùng với đó, công tác rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính thì một trong những nhiệm vụ hàng đầu được tư lệnh ngành Công Thương đặc biệt quan tâm, đó có việc đưa ra các giải pháp, hướng tới mục tiêu giảm nhanh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra, dán nhãn năng lượng.
Đây thực sự là một bước cải cách lớn, giúp doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể giảm thiểu được thời gian xin hồ sơ của thủ tục này, tiết kiệm chi phí, thời gian. Ngoài ra, hiện thực hóa quy trình cấp phép cũng sẽ giúp cho đơn vị xử lý có thể rút ngắn thời gian kiểm tra hồ sơ. Từ đó có thể trả kết quả cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhất.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nagakawa Việt Nam chia sẻ cảm nhận về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công ThươngBà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nagakawa Việt Nam chia sẻ: Những phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà Bộ Công Thương đã ban hành sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Đây thực sự là một bước cải tiến lớn giúp cho Công ty Cổ phần Nagakawa Việt Nam nói riêng và tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nói chung có thể giảm thiểu được thời gian khi thực hiện các thủ tục, tiết kiệm chi phí, công sức và nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.
Đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương vào hoạt động sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương. Cổng dịch vụ công trực tuyến thực hiện theo một quy trình xử lý thống nhất chung, cho phép người khai có thể thực hiện tất cả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ thông qua một tài khoản duy nhất; giúp doanh nghiệp giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp; dễ dàng tra cứu và tìm kiếm thông tin mọi lúc mọi nơi; Tập trung quản lý cho cán bộ xử lý, tăng hiệu năng của hệ thống, giảm bớt thời gian chờ đợi của doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ cũng là đầu mối duy nhất kết nối của Bộ Công Thương liên thông đến Công dịch vụ công quốc gia, cũng như Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo chỉ đạo của Chính phủ.