Tóm tắt:
Việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi là một trong những giải pháp tối ưu để kiểm soát an toàn thực phẩm, không chỉ cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm an toàn được giám sát chặt chẽ, mà còn nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng và triển khai các chính sách nhằm đưa thực phẩm an toàn từ sản xuất đến bàn ăn. Trên kết quả phân tích chính sách và đánh giá thực tiễn phát triển các chuỗi nông sản thực phẩm an toàn của Tỉnh trong thời gian qua, bài viết nhận định một số vấn đề đặt ra trong phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn và hàm ý chính sách để giải quyết, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam.
Từ khóa: an toàn thực phẩm, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chính sách, tỉnh Quảng Nam.
1. Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng trở nên quan trọng đối với người tiêu dùng cũng như các nhà hoạch định chính sách. Các vấn đề ATTP là hậu quả của ô nhiễm đất và nước đang ngày càng xảy ra trên diện rộng mà phần lớn do phát triển công nghiệp trong vài thập kỷ qua, cũng như các thực hành thiếu an toàn của người sản xuất nông nghiệp và của các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm (World bank, 2017). Trong khi đó, cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng và thị trường quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi phải có các biện pháp nhằm kiểm soát hữu hiệu hoạt động sản xuất nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và an toàn xã hội. Một trong những nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm Việt Nam năm 2010 đó là "quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm", nhằm đạt mục tiêu “tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn”. Để tuân thủ nguyên tắc này cần phải kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Do đó, việc phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi cơ sở để thực hiện hiệu lực và hiệu quả luật pháp về ATTP, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất - kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.

Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc khu vực miền Trung của Việt Nam, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Ngành Nông Lâm Thủy sản (NLTS) mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu kinh tế, nhưng có sự phát triển liên tục và giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong những năm 2020-2021. Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam (2023), GRDP ngành NLTS của tỉnh năm 2022 đạt 15.560 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng GRDP của tỉnh (theo giá hiện hành), tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011-2022 đạt 4,09%/năm (theo giá so sánh). Ngành này đã cung cấp cho thị trường hơn 492 nghìn tấn lương thực, 128 nghìn tấn thủy sản, hơn 330 nghìn tấn rau, củ, quả và gần 60 nghìn tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Ngành NLTS đã đóng góp quan trọng việc đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn, đồng thời là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến và hỗ trợ phát triển lĩnh vực dịch vụ. Do vậy, việc phát triển sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn và bền vững là lựa chọn ưu tiên để đảm bảo cung ứng ổn định và giữ thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, cũng như đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.
Sử dụng số liệu thứ cấp và kết quả điền dã tại tỉnh Quảng Nam trong năm 2024, bài viết đề cập các chính sách phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai, phân tích và đánh giá thực tiễn phát triển các chuỗi nông sản thực phẩm an toàn của Tỉnh trong thời gian qua. Qua đó, nhận định một số vấn đề đặt ra trong phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn, để góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam. Trong nghiên cứu này, chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn được hiểu là chuỗi được tổ chức và quản lý để đảm bảo ATTP và chất lượng của thực phẩm ở tất cả các khâu trong chuỗi (Kelly, 2012).
2. Chính sách phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Quảng Nam
Xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm NLTS an toàn là giải pháp yêu cầu tất cả các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định về hội nhập quốc tế, gia tăng xuất khẩu, an sinh xã hội. Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.
Từ năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030” để làm nền tảng hình thành các chuỗi liên kết sản phẩm thực phẩm sạch cung cấp cho người dân. Ngày 05/12/2016, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 4294/QĐ-UBND phê duyệt Phương án thực hiện thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gà, rau, tôm, nước mắm an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, được điều chỉnh bổ sung bởi Quyết định số 2168/QĐ-UBND ngày 16/6/2017. Đến ngày 22/8/2018, tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 2526/QĐ-UBND về Phê duyệt phương án xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm chả thịt lợn an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhằm cung ứng một phần thực phẩm nông sản an toàn "từ sản xuất đến bàn ăn" và quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Để thực hiện thí điểm các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, ngân sách tỉnh đã đầu tư trên 2,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất thực hiện các chuỗi (UBND tỉnh Quảng Nam, 2019). Tỉnh Quảng Nam đã tiến hành tổng kết Đề án và không tiếp tục triển khai các hỗ trợ xây dựng các chuỗi nông sản thực phẩm an toàn này.
Thay vào đó, tỉnh Quảng Nam có các cơ chế hỗ trợ hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thông qua việc triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ và các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Để cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 17/12/2019 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi là Nghị quyết 17). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 triển khai Nghị quyết 17. Trong đó, sản phẩm của dự án liên kết phải đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ATTP, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường (có chứng nhận hoặc bản cam kết của chủ trì dự án).
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai xây dựng nhiều dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngày 14/10/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND quy định nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 (sau đây gọi là Nghị quyết 24), đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam ngày 22/9/2023. Trong đó, các dự án liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp mặc dù không yêu cầu cụ thể về đảm bảo chất lượng ATTP, nhưng nội dung hỗ trợ bao gồm hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ, để thực hiện các dự án sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO, ISO, HACCP.
Để triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển các chuỗi nông sản thực phẩm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng NLTS tỉnh Quảng Nam (nay là Phòng Quản lý Chất lượng NLTS, thuộc Sở NN&PTNT) đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam xây dựng các phóng sự quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh; tổ chức cho các cán bộ (cấp tỉnh, huyện) và cơ sở tham gia thực hiện mô hình chuỗi đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh có triển khai thực hiện chuỗi. Có thể thấy, tỉnh Quảng Nam đã thể hiện quyết tâm trong việc đưa thực phẩm an toàn đến tận bàn ăn.
3. Thực tiễn phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Quảng Nam
3.1. Chuỗi nông sản thực phẩm an toàn theo phương án thí điểm giai đoạn 2017-2019
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam (2019), sau 3 năm triển khai phương án thí điểm mô hình cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 08 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bao gồm: Chuỗi cung ứng sản phẩm nước mắm an toàn Cửa Khe và Tam Thanh (02 chuỗi); Chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn an toàn tại huyện Thăng Bình và thành phố Tam Kỳ (02 chuỗi); Chuỗi cung ứng sản phẩm rau sạch Mỹ Hưng (01 chuỗi); Chuỗi cung ứng sản phẩm trứng gà Văn Học (01 chuỗi); Chuỗi cung ứng sản phẩm thịt gà của Hợp tác xã gà ta Mười Tín (01 chuỗi); Chuỗi cung ứng sản phẩm chả thịt lợn tại thành phố Tam Kỳ (01 chuỗi).
Việc tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình cung cấp thực phẩm an toàn, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2019 đã được các đơn vị, địa phương chú trọng triển khai thực hiện; qua đó, đã hỗ trợ một phần nguồn lực tài chính cho các bên liên quan sản xuất phát triển theo hướng có liên kết các khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hơn hiệu quả kinh tế, đảm bảo vấn đề ATTP. Các chuỗi cung ứng này đa số hoạt động khá hiệu quả trong khoảng thời gian đầu triển khai, ATTP đã được kiểm soát từ khâu cung ứng vật tư đầu vào của quá trình chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt, thu mua, vận chuyển, sơ chế, giết mổ, chế biến, buôn bán và đến tay người tiêu dùng. Các chuỗi nước mắm, trứng gà, thịt gà tươi đã cung ứng cho thị trường Quảng Nam và một phần thành phố Đà Nẵng một lượng nhất định sản phẩm đảm bảo chất lượng và ATTP. Trong đó, mô hình chuỗi cung ứng nước mắm an toàn tại Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (huyện Thăng Bình) đã và đang duy trì hoạt động khá hiệu quả, sản phẩm đã được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và Đà Nẵng và được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động các chuỗi trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Điển hình là 2 chuỗi cung ứng thịt lợn an toàn và 01 chuỗi cung ứng sản phẩm chả thịt lợn đến cuối năm 2019 đã không còn hoạt động trên địa bàn, nguyên nhân ban đầu được nhận định do thói quen tiêu dùng thịt lợn tươi của người dân, các loại thịt lợn được sơ chế, đóng gói sẵn và bảo quản lạnh trong các tủ mát không được ưa chuộng, cộng với tình hình dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra nhiều nơi vào thời điểm đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã quay lưng lại với thịt lợn, nên việc tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn của các cơ sở tham gia chuỗi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
3.2. Chuỗi nông sản thực phẩm an toàn được hỗ trợ theo Nghị quyết 17 và Nghị quyết 24
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (2023), tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có đã có 75 dự án chuỗi liên kết sản xuất được phê duyệt, đã thu hút 78 hợp tác xã (HTX) và 72 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, có 17.062 hộ dân tham gia thực hiện liên kết, các dự án tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi, với tổng kinh phí thực hiện 311.112 triệu đồng. Trong đó, có 39 chuỗi liên quan đến cung cấp thực phẩm an toàn, bao gồm: 33 dự án lĩnh vực trồng trọt (như nấm, rau, cây ăn quả...) và 6 dự án chăn nuôi (gà, vịt, trứng cút, heo cỏ). Điển hình có một số dự án liên kết chuỗi cung nông sản thực phẩm an toàn hoạt động hiệu quả, như sau:
Dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau Trà Quế do HTX sản xuất và kinh doanh Rau Trà Quế Xanh (Tp. Hội An) chủ trì liên kết, được hỗ trợ theo Nghị quyết 17 trong giai đoạn 2022-2023 với quy mô 2,5ha đã mang lại hiệu quả tích cực, các loại rau (rau ăn lá và rau gia vị) được sản xuất theo quy trình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng máy móc sơ chế đóng gói rau và công nghệ thông tin trong quản lý truy xuất nguồn gốc. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất mang lại, HTX đã tiếp tục mở rộng dự án liên kết sản xuất và đang được hỗ trợ theo Nghị quyết 24 trong giai đoạn 2023-2024. Trong giai đoạn này, HTX liên kết sản xuất rau VietGAP với 202 người dân trên diện tích 18,5ha và liên kết tiêu thụ với hai doanh nghiệp ở TP. Đà Nẵng. Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ rau VietGAP Trà Quế không những góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ các loại nông sản sạch, đảm bảo ATTP tại địa phương, còn mở rộng thị trường, kết nối quảng bá sản phẩm của làng nghề truyến thống, góp phần xây dựng thương hiệu làng rau Trà Quế ngày càng phát triển bền vững, qua đó nâng cao giá trị và thu nhập cho bà con nông dân địa phương.
Nhờ cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 24, HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông đã chủ trì dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ lúa theo quy trình canh tác hướng hữu cơ tại Cánh Đồng Mẫu, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An. Dự án được thực hiện trong thời gian 2 năm (2023-2025), trong đó, HTX liên kết sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ với 21 hộ nông dân trên diện tích 1,5ha và liên kết tiêu thụ với một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Hội An. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã sản xuất và canh tác được 2 vụ (Hè Thu 2023 và Đông Xuân 2023-2024), kết quả mang lại rất tích cực. Theo kết quả khảo sát, năng suất lúa hữu cơ của dự án cao hơn khoảng 10% so với năng suất lúa thường tại xã, giá bán sản phẩm lúa hữu cơ cũng đang cao hơn khoảng 30% so với sản phẩm lúa thông thường. Kết quả bước đầu của dự án không những mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các hộ nông dân trong dự án, cung cấp các sản phẩm về lúa theo quy trình hữu cơ cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hội An và các vùng lân cận, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào canh tác bằng phương pháp hữu cơ trong cộng đồng, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
4. Những vấn đề đặt ra và hàm ý chính sách
Kết quả triển khai các cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy hình thành một số chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Như vậy, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là biện pháp cần thiết, không chỉ giúp ngưòi nông dân tiêu thụ sản phẩm, mà quan trọng hơn là cung cấp ra thị trường nguồn sản phẩm an toàn thực sự, được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, từ đó củng cố niềm tin của người tiêu dùng cũng như nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường. Tuy nhiên, những kết quả đạt được như đã đề cập còn khiêm tốn, các bên tham gia chuỗi chưa nhiều, các sản phẩm nông nghiệp trong liên kết thiếu đa dạng; đặc biệt mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn từ cung ứng dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và tiêu thụ giữa các bên tham gia chuỗi còn thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Trong thời gian tới, để có thể hình thành và duy trì hoạt động bền vững các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, nhiều vấn đề đặt ra cho tỉnh Quảng Nam cần phải giải quyết.
Một là, tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún của vùng Trung Bộ nói chung và tỉnh Quảng Nam tạo nên nhiều khó khăn trong việc áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến...; trong khi đó, năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, của các chủ thể tham gia chuỗi còn thấp. Điều này ảnh hưởng lớn đến thành công và sự duy trì lâu dài của các mô hình chuỗi nông sản thực phẩm an toàn. Để giải quyết vấn đề này, công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung cần được ưu tiên. Chính quyền tỉnh Quảng Nam cần đầu tư vào công tác nghiên cứu để tìm ra bài toán quy hoạch tối ưu nhất phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập ổn định lâu dài cho các bên tham gia ngành hàng, hơn nữa, việc quy hoạch cần đảm bảo tính ổn định, lâu dài, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Hai là, tìm đầu ra cho nông sản thực phẩm an toàn là vấn đề đặt ra cho các HTX, doanh nghiệp tham gia chuỗi. Thực tế chứng minh sự thất bại của mô hình thí điểm chuỗi nông sản thực phẩm an toàn giai đoạn 2017-2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là do các HTX chưa đủ tiềm lực để tìm đầu ra cho nông sản an toàn mà mình sản xuất. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất chưa thực sự bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro; trong khi đó, giá cả thị trường luôn biến động, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và những nguy cơ về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó lường trước. Do vậy, để đảm bảo sự thành công của các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, các HTX, doanh nghiệp chủ trì dự án phải có đủ năng lực, có kế hoạch kinh doanh khả thi và bền vững để trở thành “đầu tàu” trong xây dựng và phát triển bền vững chuỗi. Theo đó, chính quyền Quảng Nam cần hỗ trợ tối đa giúp các “đầu tàu” này định vị được các nông sản an toàn trên thị trường bằng những chính sách cụ thể, rõ ràng và đảm bảo các nguồn lực để thực hiện chính sách.
Ba là, mặc dù nhận thức của người dân về ATTP đã tăng lên, nhưng nhiều tập quán và thói quen tiêu dùng thực phẩm của người dân chưa được thay đổi đáng kể, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tiêu thụ thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hay các sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ/tem vệ sinh thú y..., do đó việc tiêu thụ sản phẩm ATTP theo chuỗi gặp nhiều khó khăn. Điển hình là thói quen tiêu dùng sản phẩm động vật vẫn còn cố hữu trong đại bộ phận người dân cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng là một trong những nguyên nhân chính làm phá sản chuỗi thị lợn an toàn mà tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực và quyết tâm xây dựng. Đây là một vấn đề lớn cần được chính quyền các cấp quan tâm và có giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen tiêu dùng sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, thực thi nghiêm các pháp luật về ATTP là yêu cầu quan trọng nhất trong việc tạo dựng một môi trường pháp lý công bằng, tiền đề để các sản phẩm nông sản an toàn tồn tại bền vững.
5. Kết luận
Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi nông sản thực phẩm an toàn là hướng đi đúng đắn, không những góp phần đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm, mà còn giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách với quyết tâm đưa thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết để có thể xây dựng và duy trì hoạt động bền vững các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn này. Theo đó, bên cạnh các hàm ý chính sách được gợi mở, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở nhằm thay đổi một cách sâu rộng, ổn định và lâu dài những nhận thức, tập quán, thói quen và hành vi về ATTP của các đối tượng trong chuỗi, từ người cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, nông dân sản xuất, cơ sở chế biến, cơ sở kinh doanh, đến người tiêu dùng cuối cùng.
Bài viết này là sản phẩm của đề tài khoa học cấp cơ sở “Quản lý chuỗi nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Quảng Nam”, do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ chủ trì thực hiện, ThS. Hồ Thị Kim Thùy làm chủ nhiệm.
Tài liệu tham khảo:
- Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam. (2023). Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Nam năm 2022. NXB Thống kê, Hà Nội.
- HĐND tỉnh Quảng Nam. (2019). Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 17/12/2019 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
- Kelly, S. (2012). Smallholder business models for agribusiness-led development: good practice and policy guidance. FAO Rural Infrastructure and Agro-Industries Division (AGS).
- Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam. (2019). Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn và Hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm.
- UBND tỉnh Quảng Nam. (2016). Quyết định số 4294/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 phê duyệt Phương án thực hiện thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gà, rau, tôm, nước mắm an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
- UBND tỉnh Quảng Nam. (2017). Quyết định số 2168/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 phê duyệt điều chỉnh bổ sung Phương án thực hiện thí điểm chuỗi cung cấp thực phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gà, rau, tôm, nước mắm an toàn trên địa bàn tỉnh
- UBND tỉnh Quảng Nam. (2018). Quyết định số 2526/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 phê duyệt Phương án xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm chả thịt lợn an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
- UBND tỉnh Quảng Nam. (2019). Tờ trình số 7099 /TTr-UBND ngày 27/11/2019 đề nghị ban hành Nghị quyết về phê duyệt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
- Ngân hàng Thế giới - World Bank (2017). Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam: Những thách thức và cơ hội. Báo cáo kỹ thuật.
THE DEVELOPMENT OF SAFE AGRICULTURAL FOOD CHAINS IN QUANG NAM PROVINCE: FROM POLICIES TO PRACTICE
Master. Ho Thi Kim Thuy
Institute of Social Sciences of the Central Region
Abstract:
This study investigated the implementation of safe agricultural food chains in Quang Nam province since 2016. By analyzing policies and assessing practical outcomes, the study identified key challenges and proposed policy implications for sustainable safe agricultural development. The findings highlighted the potential of agricultural production models in chains to enhance food safety, improve product quality, and increase market value. The study contributed to understanding the factors influencing the successful establishment and operation of safe food chains in developing regions.
Keywords: food safety, value chain, supply chain, policy, Quang Nam province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2024]