Phát triển điện bám sát xu thế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Công Thương đã tham mưu và ban hành các chính sách, chiến lược nhằm phát triển điện theo xu thế khoa học, công nghệ trên thế giới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó chủ trương phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đổi mới ngành điện theo hướng chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học, công nghệ của thế giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Công Thương hướng tới nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

khoa học, công nghệ
Ngành Công Thương xác định phát triển điện theo hướng chuyển đổi năng lượng công bằng, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ của thế giới là nhiệm vụ trọng tâm

Trên tinh thần đó, ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Cụ thể, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh xác định Quy hoạch phát triển điện phải dựa trên cơ sở khoa học, có tính kế thừa, mang tính động và mở. Phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Chuyển dịch năng lượng phải phù hợp với xu hướng quốc tế và đảm bảo bền vững, công bằng, công lý.

Phát triển các nguồn điện sạch, giải pháp lưới điện thông minh

Về nguồn điện, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh xác định phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý để bảo đảm an ninh năng lượng, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối,...), năng lượng mới, năng lượng xanh (hydrogen, amoniac xanh,...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ, điện mặt trời mái nhà.

Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp. Thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới và phát triển nguồn điện mới với công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới công nghệ các nhà máy đang vận hành. Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối v.v...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Quy hoạch đặt mục tiêu các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74 - 75%.

Về lưới điện, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh xác định phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh (Smart Grid) để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

khoa học, công nghệ
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh xác định phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn, sẵn sàng kết nối khu vực

Phát triển lưới điện truyền tải 500 kV đảm bảo vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực. Giới hạn truyền tải liên miền ở mức hợp lý, giảm truyền tải điện đi xa, hạn chế tối đa xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền trước năm 2030. Xây dựng lưới điện 220 kV bảo đảm độ tin cậy, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ đảm bảo vận hành linh hoạt. Xây dựng các trạm biến áp 220 kV đủ điều kiện vận hành không người trực. Đẩy mạnh xây dựng các trạm biến áp GIS, trạm biến áp 220/22 kV, trạm ngầm tại các trung tâm phụ tải.

Nghiên cứu ứng dụng hệ thống Back-to-Back, thiết bị truyền tải điện linh hoạt để nâng cao khả năng truyền tải, giảm thiểu diện tích chiếm đất. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ truyền tải điện xoay chiều và một chiều điện áp trên 500 kV. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, giải pháp Smart Grid như HVDC, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, DLR phù hợp với nhu cầu hệ thống để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tăng hiệu quả vận hành.

Chuyển đổi số ngành điện là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu

Quyết tâm phát triển ngành điện theo xu thế phát triển khoa học, công nghệ không chỉ được thể hiện qua Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Bộ Công Thương đã nhận thức từ sớm về tầm quan trọng của chuyển đổi số và xác định đây là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, với người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Tại Cuộc họp giao ban đầu năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh: “Cần quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và triển khai thực hiện chuyển đổi số trong ngành Công Thương một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn”.

Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký Quyết định số 2795/QĐ-BCT ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 đã định hướng nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy mạnh đầu tư tăng cường tiềm lực, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành.

khoa học, công nghệ
Ngành Công Thương nỗ lực đẩy mạnh đầu tư tăng cường tiềm lực, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành

Chiến lược này còn nêu rõ, với lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo: Nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng các công nghệ điều khiển hiện đại để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện; hiện đại hóa hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hóa phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực; ứng dụng các công nghệ số hiện đại như: Công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ Internet vạn vật (IoT)... bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. Ứng dụng công nghệ đo đếm tiên tiến - thông minh (smart metering) để theo dõi sử dụng điện của khách hàng, chống thất thoát trong kinh doanh điện, phục vụ nghiên cứu dự báo phụ tải và các yêu cầu của quản lý điều hành; sử dụng công nghệ công tơ đọc dữ liệu, thu nhận dữ liệu từ xa; tự động hóa lưới phân phối gắn liền với dịch vụ khách hàng và quản lý nhu cầu.

Bên cạnh lĩnh vực điện, toàn ngành Công Thương đã nỗ lực nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Ngày 13/1/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 116/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các đơn vị thuộc Bộ, doanh nghiệp ngành Công Thương làm căn cứ tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Tiến Thành