Đây là nhận định của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 9 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics”.
Trong Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, ông Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39 trên 160 quốc gia và đứng thứ 3 trong ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016.
Nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương cũng cho thấy, chỉ số năng lực hoạt động logistics có tăng, đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong top 10 Chỉ số Logistics thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt khoảng 14-16%/năm.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhìn nhận, dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam tiếp tục bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% GDP, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới ở mức 11-12% GDP.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển; quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường, chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới. Ngoài ra, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao.
“Bối cảnh và thực trạng trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics vừa phải có các giải pháp duy trì sức chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp đặc biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo ra những bước đột phá thúc đẩy phục hồi kinh tế”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, phát triển ngành logistics nói chung và nhân lực ngành logistics nói riêng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công Thương mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Do vậy, để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương và các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội cần triển khai thực hiện. Cụ thể:
Một là, đề nghị các ngành cần trọng tâm nâng cấp và phát triển hạ tầng logistic, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics.
Tiếp tục kiên trì các giải pháp giảm chi phí logistics thông qua việc xử lý các điểm nghẽn của chuỗi cung ứng như năng suất các cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, kho bãi và điểm trung chuyển; quy hoạch vận tải đa phương thức thúc đẩy phát triển nhanh các phương thức vận tải hàng hóa chi phí thấp.
Tập trung thực hiện tái cấu trúc dịch vụ logistics, trong đó thúc đẩy sự phát triển các loại hình logistics trong nước, xem đây là tiền đề phát triển thị trường logistics của Việt Nam để nắm bắt cơ hội từ các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19.
Hai là, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistic Việt Nam để không bỏ lỡ các cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh các nước đang phục hồi mạnh mẽ sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới hiện nay.
Cần sớm nghiên cứu, tham mưu kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logicstics để phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương, kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics quốc tế và trong nước nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ba là, cần tận dụng và khác thác có hiệu quả quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có ngành logistics.
“Đây sẽ là nền tảng quan trọng và là động lực thúc đẩy thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh ngành logistics và là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đặc biệt lưu ý.
Bốn là, cần đặc biệt chú trọng và phát huy tối đa nguồn lực con người với vai trò là trung tâm, chủ thể cho phát triển ngành logistics bền vững. Có giải pháp chú trọng và phát triển nguồn nhân lực logistics cả về chất và lượng, phù hợp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và quốc tế.
Năm là, cần chú trọng thúc đẩy liên kết và mở rộng hợp tác quốc tế có hiệu quả trong phát triển dịch vụ logictics và đào tạo nhân lực logistics. Tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Việt Nam. Tăng cường hợp tác công - tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistics tại nước ngoài, nhất là tại các thị trường đối tác chiến lược.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng, sau Diễn đàn, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhận diện rõ hơn định hướng phát triển ngành logistics Việt Nam nói chung và phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nói riêng, tìm ra những động lực mới để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới, góp phần đưa logistics thực sự trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.