Kinh nghiệm thế giới
Giai đoạn trước những năm 1980, ngành điện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hoạt động theo mô hình độc quyền liên kết dọc. Doanh nghiệp của nhà nước quản lý và vận hành độc quyền toàn bộ các khâu từ phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện và điều độ hệ thống điện. Ở mô hình này có ưu điểm là chỉ đạo tập trung, thực hiện vận hành và phát triển ngành theo kế hoạch, quy hoạch của Nhà nước. Tuy nhiên, mô hình này có nhược điểm lớn chính là không có tính cạnh tranh, không tạo ra động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như khó thu hút đầu tư và làm tăng áp lực về vốn đầu tư cho ngành điện đối với ngân sách.
Giai đoạn từ sau năm 1980, xu hướng phát triển thị trường điện đã diễn ra ở nhiều quốc gia khi mà quan niệm về độc quyền trong ngành điện dần thay đổi và lợi ích của việc phát triển thị trường mang lại cho nền kinh tế được đặt lên hàng đầu.
Xây dựng thị trường điện được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho ngành điện và xã hội.
Thứ nhất, thông qua vận hành thị trường điện thì các thành phần chi phí trong các khâu trong ngành điện bao gồm các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện,… được xác định rõ ràng, minh bạch theo cơ chế thị trường giúp khách hàng ít phản đối khi giá điện tăng cao.
Thứ hai, giá điện được xác định theo cơ chế thị trường khi cao, khi thấp là một công cụ để điều chỉnh hành vi tiêu dùng điện của khách hàng một cách hiệu quả, đồng thời đưa ra tín hiệu về cân bằng cung cầu giúp cho các nhà đầu tư có thêm thông tin để đưa ra quyết định đầu tư các nguồn điện mới.
Thứ ba, với cơ chế thị trường buộc các đơn vị trong ngành điện phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tự quản lý rủi ro đầu vào, đầu ra và nâng chất lượng dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ đó giúp mang lại hiệu quả chung cho toàn ngành điện.
Kinh nghiệm triển khai thị trường điện cho thấy có 03 cấp độ thị trường điện phổ biến được áp dụng theo mức độ cạnh tranh tăng dần bao gồm:
(i) Cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh, tính cạnh tranh chỉ ở khâu phát điện;
(ii) Cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tính cạnh tranh ở cả khâu phát điện, khâu mua buôn điện;
(iii) Cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tính cạnh tranh ở cả khâu phát điện, mua buôn điện, bán lẻ điện, khách hàng sử dụng cuối cùng được tự do lựa chọn đơn vị cung cấp điện.
Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã được phát triển tại nhiều quốc gia nhưng hầu hết là ở các nước đã phát triển có mức độ tăng trưởng phụ tải điện ổn định và thấp như Úc, Singapore, các nước Tây Âu, Bắc Âu, Mỹ … Kinh nghiệm triển khai thị trường bán lẻ tại các nước chỉ ra rằng để đảm bảo không bị xáo trộn thì quá trình tạo cạnh tranh ở khâu bán lẻ điện cần có nhiều thời gian để triển khai thực hiện tùy thuộc vào trình độ, sự phát triển kinh tế theo hướng thị trường của từng nước.
Ví dụ như Singapore, quốc gia này cần 18 năm (2002-2019) để xây dựng và vận hành thị trường bán lẻ điện hoàn chỉnh, hay Australia, quốc gia này cũng phải mất 12 năm (2002-2014) để có thị trường bán lẻ điện hoàn chỉnh.
Cơ chế cơ bản và quan trọng nhất để đảm bảo cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh của các quốc gia trên hoạt động hiệu quả là các nước này đều cho phép từng đơn vị bán lẻ điện có quyền quyết định giá bán lẻ và giá bán lẻ điện phải được tính toán đảm bảo sự đầy đủ, đồng bộ và liên thông với các yếu tố đầu vào cấu thành nên giá bán lẻ điện. Đây cũng là yếu tố quan trọng cho việc hình thành các đơn vị bán lẻ điện mới để tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường bán lẻ điện.
Ngoài ra, để đảm bảo thành công khi thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, các quốc gia này cũng đều xác định rất rõ các điều kiện tiên quyết và triển khai hoàn thành các điều kiện này.
Thực tế triển khai ở Việt Nam
Tại Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm thế giới, các nguyên tắc chính về các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã được quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 7/8/2020 của Bộ Công Thương bao gồm các nhóm vấn đề chính sau:
Về xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý: (i) Hoàn thiện và vận hành hiệu quả các tính năng thiết kế của thị trường bán buôn điện cạnh tranh do thị trường này là đầu vào của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; (ii) Cải cách về giá bán lẻ điện, trong đó phải xóa bỏ bù chéo và tách độc lập các khoản trợ giá điện, giá bán lẻ điện phải phán ánh đúng chi phí theo từng nhóm đối tượng khách hàng cũng như khu vực địa lý (iii) Ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý cho việc vận hành thị trường và việc thực hiện xác định minh bạch các thành phần chi phí cấu thành nên giá bán lẻ điện bao gồm chi phí ở các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, dịch vụ phụ trợ …
Về công tác tái cơ cấu ngành điện: Thực hiện công tác tái cơ cấu triệt để ngành điện theo hướng tách bạch rõ ràng các hoạt động mang tính độc quyền tự nhiên bao gồm: hoạt động truyền tải, phân phối, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện với các hoạt động mang tính cạnh tranh (mua buôn, bán lẻ điện). Theo đó, trong thị trường bán lẻ điện thì Đơn vị phân phối chỉ cung cấp dịch vụ phân phối cho các đơn vị bán lẻ và khách hàng sử dụng điện, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện bắt buộc phải độc lập với bên mua và bên bán trên thị trường, nhằm đảm bảo thị trường bán buôn điện vận hành hiệu quả, minh bạch, không phân biệt đối xử, tạo hậu thuẫn vững chắc cho thị trường bán lẻ điện.
Về hạ tầng công nghệ thông tin: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh, bao gồm: Hệ thống SCADA/EMS, công cụ tính toán giá thị trường điện theo nút, cơ sở dữ liệu khách hàng, hệ thống thu thập quản lý dữ liệu đo đếm điện năng, hệ thống đo đếm từ xa cho lưới điện phân phối …
Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường điện: Các đơn vị tham gia thị trường điện phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng được các yêu cầu về vận hành thị trường điện.
Tại Việt Nam, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012 đến ngày 31/12/2018 và đã chuyển sang cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành từ ngày 1/1/2019 đến nay. Để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 7/8/2020 phê duyệt thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đối chiếu với các điều kiện tiên quyết được quy định tại văn bản trên và Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg, để có thể triển khai được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ngành điện Việt Nam còn rất nhiều các thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, năm 2021, Bộ Công Thương đã đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm giải quyết một số vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thi hành thực tiễn mà các quy định tại Luật Điện lực qua 2 lần sửa đổi chưa đáp ứng được và cần thiết phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở đề nghị và dự thảo do Bộ Công Thương xây dựng, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2022.
Trong đó, Luật Điện lực được sửa đổi, bổ sung với những điểm đáng lưu ý như sau:
Điều chỉnh chính sách phát triển điện lực. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.
Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung.
Điều chỉnh hoạt động Nhà nước độc quyền. Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung.
Bổ sung quyền của đơn vị truyền tải điện. Đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tư theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung.
Bổ sung nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện. Bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung.
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Quyết định số 2093/QĐ-BCT. Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy nhanh các công tác có liên quan để sớm đưa vào vận hành thí điểm và nhân rộng mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt tại Quyết định số 2093/QĐ-BCT.
Tuy nhiên, việc xây dựng thành công và hiệu quả thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là nhiệm vụ lớn cần có sự phối hợp, quyết tâm của nhiều cơ quan liên quan, đặc biệt là vấn đề về việc thực hiện công tác tái cơ cấu các khâu trong ngành điện do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì và nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vận hành thị trường điện đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg.