Ngày 4/2/2016, 12 thành viên tham gia đàm phán đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định TPP có phạm vi rộng, bao phủ toàn diện, xác lập các tiêu chuẩn cao, cam kết mở cửa trên 20 lĩnh vực khác nhau với phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng hơn so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường mà Việt Nam đã tham gia. Và đặc biệt hơn cả, trong tổng số 12 FTA mà Việt Nam tham gia, TPP là FTA đầu tiên có chương riêng về lao động.
Trong bối cảnh như vậy, việc tìm hiểu các cam kết về lao động trong TPP nhằm khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào khu vực thị trường thương mại tự lớn nhất từ trước tới nay, với tổng GDP lên tới 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu.
Chương 19 của Hiệp định TPP quy định về lao động, gồm 15 điều. Trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản sau đây:
- Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc;
- Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em; và nghiêm cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất;
- Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc.
- Bảo đảm trong pháp luật và thực tế quy định về điều kiện làm việc có thể chấp nhận được về tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc và an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, Hiệp định quy định cụ thể về hợp tác trong lĩnh vực lao động như xác định 20 lĩnh vực hợp tác (từ vấn đề giải quyết việc làm, tiền lương… đến xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, đối thoại xã hội và trách nhiệm xã hội…) và đưa ra 4 hình thức cơ bản để thực hiện hợp tác (hội nghị, hội thảo, đối thoại; tham quan để nghiên cứu, học tập; hợp tác nghiên cứu; trao đổi chuyên gia…). Đồng thời, đưa ra cơ chế thực thi các cam kết về lao động thông qua: Đối thoại; Đầu mối liên lạc; Hội đồng lao động.
Đối chiếu với những quan điểm và lập luận của các nước đang phát triển cho việc không đưa các tiêu chuẩn lao động và FTAs nêu trên cho thấy các cam kết mạnh mẽ về lao động trong TPP sẽ làm tăng chi phí về nhân công và có tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển.
Phát triển thị trường lao động
Khi TPP đi vào thực thi, sẽ có một số lượng lớn lao động tay nghề cao từ các nước vào thị trường lao động nước ta. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường TPP, chúng ta phải phát triển thị trường lao động trong nước để đủ sức cạnh tranh về việc làm ngay trên sân nhà.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp nước ta đã đáp ứng tiêu chuẩn lao động cao, khi gia công hay hợp tác sản xuất với nước ngoài (như tiêu chuẩn sạch, xanh, trách nhiệm xã hội). Vì vậy, việc tiếp nhận các tiêu chuẩn mới không hẳn là một thách thức quá lớn. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn khi thực hiện cam kết TPP là thị trường lao động ở nước ta vẫn chưa phát triển (đặc biệt là khu vực nông thôn), cung cầu về lao động chưa được giải quyết qua thị trường tạo nên ách tắc cho việc giải quyết mối quan hệ giữa lao động và việc làm.
Lao động Việt Nam được đánh giá là khéo léo, thông minh, sáng tạoLao động Việt Nam được đánh giá khéo léo, thông minh, sáng tạo, tiếp thu nhanh những kỹ thuật và công nghệ hiện đại được chuyển giao từ bên ngoài nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục hướng nghiệp và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao.
Đặc biệt sự chuyển dịch lao động trong nước và nước ngoài, giữa các khu vực, các ngành còn nhiều rào cản do cung lớn hơn cầu. Chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cung cấp thông tin, cung ứng lao động chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, phát triển thị trường lao động trong nước, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực.
Thứ nhất, cần tăng cường xuất khẩu lao động. Đây là hướng giải quyết việc làm tương đối hiệu quả đối với thị trường lao động khi hội nhập TPP do góp phần vào việc đào tạo tay nghề cho người lao động như: tiếp cận công nghệ hiện đại, tích lũy kinh nghiệm, tạo ý thức chấp hành kỷ luật lao động…
Thứ hai, cần rút ngắn khoảng cách cung cầu về lao động. Trong đó, sớm khắc phục khiếm khuyết của các nguồn nhân lực bằng cách tăng tỷ lệ đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có tác phong công nghiệp; đi đôi với xây dựng hệ thống theo dõi, cập nhật tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc tại các doanh nghiệp,… Đồng thời mở rộng các đối tượng cho vay các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề,… để hỗ trợ người lao động mất việc làm hoàn cảnh khó khăn có khả năng tự tạo việc làm.
Thứ ba, chủ động phát triển có tổ chức các thị trường lao động có nhiều tiềm năng và hiệu quả kinh tế cao, nhất là thị trường lao động chất lượng cao về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, công nghệ thông tin và xuất khẩu lao động…