Vụ việc được khởi xướng điều tra năm 2020, song song với 1 vụ việc khác cũng liên quan đến ngành nhựa là điều tra tự vệ đối với hạt nhựa mật độ cao (HDPE).
Giai đoạn điều tra (POI) là từ 2015 đến 2019.
Lượng nhập khẩu LLDPE từ Việt Nam của Philippines lần lượt là 198 tấn năm 2015 (chiếm 0,25% tổng lượng nhập khẩu); 74 tấn năm 2016 (chiếm 0,09% tổng lượng nhập khẩu); 50 tấn năm 2017 (chiếm 0,06% tổng lượng nhập khẩu); 85 tấn năm 2018 (chiếm 0,08% tổng lượng nhập khẩu) và 60 tấn năm 2019 (chiếm 0,05% tổng lượng nhập khẩu).
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), xét trong năm gần nhất của POI, chưa cần xét tới tiêu chí loại trừ các nước đang phát triển trong tổng số các nước có có thị phần riêng lẻ dưới 3% có mức nhập khẩu cộng gộp là 3,58% đối với LLDPE, Việt Nam thỏa mãn điều kiện được loại trừ khỏi vụ việc theo quy định tại Điều 9.1 Hiệp định về các biện pháp tự vệ.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Phòng vệ thương mại đã có công văn thông báo với Hiệp hội Nhựa Việt Nam và một số công ty liên quan; đồng thời tổ chức nghiên cứu các thông tin, dữ liệu do DTI cung cấp, đối chiếu với các quy định pháp luật và diễn giải thực tế của WTO để dự thảo các lập luận phản đối Đơn kiện của Ngành sản xuất hạt nhựa Philippines.
Ngày 22/9/2020, Cục Phòng vệ thương mại đã gửi Thư tham vấn tới DTI bày tỏ ý kiến về vụ việc và đề nghị DTI loại trừ Việt Nam ra khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp tự vệ căn cứ theo quy định tại Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO.
Nhờ những nỗ lực này, tại kết luận ban hành ngày 21/4/2022, Ủy ban Thuế quan Philippines (TC) đã khẳng định rằng không có sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra vào Philippines.
TC đã tiếp tục nhận các ý kiến góp ý đối với kết luận điều tra biện pháp tự vệ trong vòng 5 ngày làm việc để xem xét trước khi đưa ra kết luận chính thức trong vụ việc.