Quyết định điều tra dựa trên cơ sở đơn yêu cầu của các doanh nghiệp xi măng nội địa là Republic Cement & Building Materials, Inc.; CEMEX - Solid Cement Corporation/Apo Cement Corporation và Holcim Philippines Inc. Theo hồ sơ, các công ty này chiếm khoảng 70% tổng sản lượng xi măng nội địa của Philippines.
Sản phẩm bị điều tra là xi măng Portland thường và xi măng Portland hỗn hợp thuộc mã AHTN 2523.29.90 và 2523.90.00. Mặt hàng này đang là đối tượng áp dụng biện pháp tự vệ (năm thứ hai) với mức thuế tự vệ hiện tại là 245 P/tấn (5,06 USD/tấn), tương đương khoảng 9,75%.
Thời kỳ điều tra là từ 7/2019 - 06/2020 đối với bán phá giá, từ 2017 - 6/2020 đối với thiệt hại.
Biên độ bán phá giá cáo buộc mà doanh nghiệp Philippines đưa ra đối với xi măng Việt Nam giai đoạn 7/2019 - 12/2019 là từ 3,49% tới 10,66%; trong khi giai đoạn 1/2020 - 6/2020 là từ 3,31% tới 14,46%.
Philippines yêu cầu các bên liên quan trả lời bản câu hỏi điều tra, đồng thời cung cấp các thông tin, bằng chứng, ý kiến đối với vụ việc tới Cơ quan Dịch vụ Nhập khẩu (BIS) thuộc Bộ Công Thương Philippines trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo (ngày 20/4/2021).
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan đăng ký tham gia sớm để nhận Bản câu hỏi điều tra và các thông tin liên quan; đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định.
Các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị cân nhắc thuê luật sư/tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bán phá giá tại thị trường Philippines để việc kháng kiện đạt hiệu quả tốt nhất.
Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, các hành động bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ sẽ dẫn tới việc Cơ quan điều tra sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức biện pháp chống bán phá giá do nguyên đơn đề xuất. Việc bị áp dụng biện pháp biện pháp chống bán phá giá sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Philippines và/hoặc các đối thủ từ các quốc gia khác.
Vì vậy, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Philippines để nâng cao tiếng nói với Chính phủ, yêu cầu Cơ quan điều tra xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Về phía mình, Cục Phòng vệ thương mại dự kiến sẽ phối hợp với Hiệp hội xi măng tổ chức buổi hướng dẫn cho các doanh nghiệp về quy trình, thủ tục điều tra chống bán phá giá của Philippines để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động xử lý vụ việc.