Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - cho biết, tình hình kinh doanh phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu tại Việt Nam đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.
“Nhiều đối tượng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước rồi đưa ra thị trường tiêu thụ là hành vi vi phạm tương đối phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước” - ông Trần Hữu Linh chỉ rõ thực tế và cho rằng, những dòng xe giả, xe xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có giá thành thấp, không có tiêu chuẩn hợp quy do Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng và gây mất an toàn giao thông khi lưu hành.
Thực tế, rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông do phụ tùng giả, không đảm bảo chất lượng gây ra như cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp... những tai nạn này đã gây tổn thất lớn cho sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng, và ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp uy tín đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Xác định công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, trong những năm gần đây, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát thị trường… Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành và tập trung triển khai Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT về Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn từ năm 2021 đến 2025.
Do vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, liên quan đến các sản phẩm phụ tùng, linh kiện xe máy, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 384 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 3,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm trên 538 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh, tàng trữ hàng hóa giả mạo, trưng bày để bán tem mang nhãn hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha đang được bảo hộ tại Việt Nam...
Đáng chú ý, thống kê nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, có đến 55/63 Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh thành đã kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi buôn bán, lắp ráp nhiều phụ tùng, linh kiện giả, giả mạo nhãn hiệu “Honda”, “Yamaha” hay “Sym” đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các sản phẩm được làm giả nhiều nhất đó là: Bố thắng xe, lá côn xe, ổ khóa xe, ốp bô xe, yên xe, nắp chụp bugi, nắp chụp lốc máy, lượt nhớt, mặt nạ, tấm che bô, đèn pha….
Toàn bộ hàng hóa tịch thu đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa vi phạm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa và đã tiêu hủy đến 18.160 sản phẩm các loại không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường thông tin.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường dẫn chứng, tháng 12/2022, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 12 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Tân Thành. Đây là một trong những địa điểm kinh doanh, bán sỉ phụ tùng, phụ kiện, đồ trang trí xe máy lớn tại TP và khu vực phía Nam. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận hàng nghìn phụ kiện, đồ trang trí xe máy đựng trong thùng giấy, giỏ nhựa và treo trên giá. Phần lớn hàng hóa kinh doanh tại đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki, uớc tính số lượng vi phạm lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.
Cũng trong tháng 12/2022, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra 09 cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện ô tô, xe máy tại đường An Dương Vương, phường 4, quận 5 thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm.
Đây là hai trong hàng trăm vụ vi phạm mà lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và xử lý. Trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường quản lý tất cả các địa bàn, thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy.
Tại lễ ký kết, ông Koji Sugita - Chủ tịch VAMM, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam - cho biết, qua khảo sát thực tế của Honda cũng như các thành viên của VAMM, nhiều cửa hàng đã trộn lẫn các phụ tùng, linh kiện giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ với hàng chính hãng để bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng và gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong quá trình xác minh kiểm tra, xử lý.
Do vậy, Chủ tịch VAMM kỳ vọng, thông qua thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Quản lý thị trường, các thành viên của VAMM nói chung và Honda nói riêng mong muốn thị trường phụ tùng, linh kiện xe máy sẽ được trong sạch, lành mạnh, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Nhất trí với kiến nghị này, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, thỏa thuận hợp tác sẽ giúp lực lượng Quản lý thị trường có thêm thông tin về tình hình thị trường xe máy và phụ tùng xe máy trong nước, từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý địa bàn, giúp VAMM nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hệ thống các nhà sản xuất xe máy trên toàn quốc.
“Xe máy, phụ tùng, linh kiện xe máy giả, giả mạo nhãn hiệu là một trong nhiều mặt hàng trọng điểm mà lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát trong thời gian tới. Công tác này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước mà còn hỗ trợ, tạo động lực, xây dựng niềm tin, kiến tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam” - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh và kỳ vọng, thỏa thuận hợp tác này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.