Phú Thọ phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu về hạ tầng số

Nhằm nâng cao hơn nữa chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch Phát triển hạ tầng số đến năm 2025. Phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.

Hiện trạng hạ tầng số đến năm 2022

Giai đoạn 2017-2022, hạ tầng số tỉnh Phú Thọ được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Các chỉ số về điện thoại thông minh, mạng thông tin di động, Internet cáp quang hộ gia đình của tỉnh tăng trưởng khá; mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai bước đầu đáp ứng được yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

hạ tầng số
Phú Thọ phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu về hạ tầng số

Năm 2021, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Phú Thọ xếp hạng 18/63 tỉnh, thành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Cải cách hành chính, Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Đến nay, mạng thông tin di động đã được đầu tư phát triển tại 100% xã, phường, thị trấn với tốc độ truy nhập trung bình là 55Mb/s (mức trung bình cả nước là 35,29Mb/s). Thiết bị thông minh phát triển mạnh, đạt 1.207.233/1.311.388 thuê bao điện thoại, chiếm 80,08% tỷ lệ dân số của tỉnh (mức trung bình cả nước là 70,9%). Toàn tỉnh có 2.512/2.526 thôn, bản (99,5%) đã được phủ sóng điện thoại di động. Hạ tầng Internet băng rộng cố định đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn với tốc độ truy nhập trung bình là 70,4Mb/s; 99,9% thôn, bản đã có hạ tầng cáp quang phục vụ hộ gia đình; thuê bao Internet hộ gia đình đạt 64,96%.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số được các cấp, ngành, địa phương đầu tư khá đồng bộ. Hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến 100% các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến từ trung ương đến tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Hệ thống Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Phú Thọ đã kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội bộ của tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Quốc gia (NDXP). Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được dịch chuyển theo hướng tăng cường thuê dịch vụ, hạ tầng điện toán đám mây do các doanh nghiệp viễn thông lớn cung cấp. Trung tâm Dữ liệu số, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng đảm bảo duy trì hoạt động ổn định.

Tỉnh đang triển khai kho dữ liệu số và Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Đồng thời, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng đã và đang triển khai xây dựng như: Cơ sở dữ liệu số về dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, thuế… Nền tảng bản đồ số đang được triển khai xây dựng và cập nhật dữ liệu của một số ngành: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp; đồng thời triển khai tích hợp bản đồ chuyên ngành của các sở, ban, ngành vào hệ thống nền tảng bản đồ số tỉnh Phú Thọ.

Hạ tầng số được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng đã thúc đẩy chuyển đổi số và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Các chỉ số về điện thoại thông minh, mạng thông tin di động, internet cáp quang hộ gia đình của tỉnh tăng trưởng khá; mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP, các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai bước đầu đáp ứng được yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Năm 2021, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh xếp hạng 18/63 tỉnh, thành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh.

Kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025

Giai đoạn 2022-2025, nhằm phục vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục duy trì, nâng cao thứ hạng đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh và khẳng định vai trò, vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu về hạ tầng số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch Số: 3927 /KH-UBND ngày tháng 10 năm 2022 về Phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.

Kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đưa Phú Thọ trở thành tỉnh có hạ tầng số thuộc nhóm dẫn đầu của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

hạ tầng số
Trạm thu phát sóng BTS của VNPT Phú Thọ

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% số thôn, bản được phủ sóng di động; mạng di động 5G phủ sóng tại 100% trung tâm các huyện, thành, thị, các khu công nghiệp, khu du lịch; tốc độ truy nhập trung bình trên mạng di động đạt 100Mb/s. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%.

100% các thôn, bản có hạ tầng Internet băng rộng cáp quang; tốc độ truy nhập trung bình trên mạng Internet băng rộng cố định đạt 200Mb/s. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cáp quang đạt 85%.

100% các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng và liên thông 04 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã. Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với các cơ sở dữ liệu Quốc gia.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo chuyển đổi số, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục, hộ tịch, dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước và đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp.

Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số, như: xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông của tỉnh tích hợp trong quy hoạch tỉnh Phú Thọ; triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025; phát triển hạ tầng viễn thông tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa; quản lý xây dựng và đảm bảo chất lượng các công trình viễn thông; quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (cống cáp, hào, tuy nen kỹ thuật...) để hạ ngầm đồng bộ các đường dây cáp viễn thông, cáp điện lực; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

Rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời và tổ chức thực hiện Đề án phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh Phú Thọ phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.

Định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng trạm thu phát sóng di động 4G phủ sóng 100% các thôn, bản và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu vực sóng yếu; ưu tiên, tập trung phát triển 5G tại trung tâm các huyện, thành, thị, các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ quan nhà nước và phục vụ, hỗ trợ thông minh hóa các hạ tầng đô thị, giao thông, năng lượng, y tế. Tiến tới tắt sóng công nghệ 2G, 3G nhằm thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh, kích cầu sử dụng dữ liệu…

Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng chất lượng cao theo hướng thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo kết nối thông suốt 4 cấp từ Trung ương đến xã, sử dụng đồng bộ, tập trung các dịch vụ cung cấp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phát triển hạ tầng lưu trữ công nghệ điện toán đám mây phục vụ các nhiệm vụ cơ bản của cơ quan nhà nước và tăng cường thuê dịch vụ điện toán đám mây của các doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển. Khuyến khích doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đẩy mạnh xây dựng các trung tâm dữ liệu số quy mô cấp vùng phục vụ các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Kho dữ liệu số và Cổng dữ liệu mở của tỉnh để quản lý thống nhất việc lưu trữ, sử dụng hiệu quả dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 

Nguyên Vỵ