TÓM TẮT:
Kinh tế chia sẻ (sharing economy) là phương thức kinh doanh mới, tận dụng lợi thế phát triển công nghệ để tiết kiệm chi phí giao dịch, tiếp cận được lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số và đa số đều khẳng định là xu thế phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh nhưng có nhiều tiềm năng. Hiện nay, trong nước đã xuất hiện các mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới, trong đó nổi lên là các loại hình vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng, đều là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghiên cứu này phân tích phương thức kinh doanh mới của nền kinh tế chia sẻ.
Từ khoá: kinh tế chia sẻ, thuế, quản lý, cơ sở hạ tầng.
1. Kinh tế chia sẻ
Trên thực tế, mô hình chia sẻ đã có từ rất lâu nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ và được nhắc đến nhiều khi kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng (năm 2008), buộc người dân nước này phải thay đổi cách tiêu dùng. Đến nay, mô hình kinh tế chia sẻ không chỉ dừng lại ở nước Mỹ mà đã lan tỏa rộng khắp thế giới và kinh tế chia sẻ đã làm thay đổi chủ nghĩa tiêu dùng, khi người dùng say sưa săn hàng giá rẻ, hàng đã qua sử dụng thông qua các trang bán hàng trực tuyến.
Mô hình kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, phải trả tiền hoặc không phải trả tiền hoặc không trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ internet. Đây là một phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế.
Nền kinh tế chia sẻ tạo ra cơ hội để người tham gia có thể làm việc toàn thời gian, bán thời gian hoặc làm việc tự do, từ đó đem lại thu nhập tăng thêm bên cạnh công việc hiện có của người tham gia. Việc chia sẻ đem lại cho người tiêu dùng khả năng được tiếp cận với những dịch vụ/tài sản mà họ không thể sở hữu. Chia sẻ cũng giúp nâng cao phúc lợi xã hội, làm cho việc sử dụng tài sản vật chất và các nguồn lực nhàn rỗi khác trở nên hiệu quả hơn, góp phần phát triển bền vững và giảm những tác động tiêu cực đến môi trường.
Kinh tế chia sẻ càng phát triển mạnh mẽ khi có được sự cộng hưởng từ cách mạng khoa học công nghệ, internet. Khi internet lan rộng, các trang web như eBay và Craigslist giúp kết nối những người có và những người cần một cách hiệu quả hơn. Chia sẻ và tái phân phối tài nguyên bắt đầu rẻ đi so với mua đồ mới và bỏ đồ cũ. Mỗi người không chỉ là người mua mà còn có thể bán thông qua thương mại ngang hàng. Việc này giúp tránh lãng phí những sản phẩm không dùng đến, được tận dụng dùng lại bằng việc thông qua nền tảng công nghệ. Thông qua nền tảng này, con người bắt đầu thay đổi quan hệ với những thứ mình tư hữu, họ nhận ra những thứ có thể tiếp cận được mà không cần sở hữu; hay những thứ phải tốn công sức duy trì, không thực sự cần thiết, không được dùng thường xuyên,… nên đi thuê chứ không nên mua.
Sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ đã tạo ra “mảnh đất mới” cho mô hình công ty trung gian, chia sẻ tài sản, tính phí theo sử dụng,... Hiện nay, có hàng trăm công ty chia sẻ tài sản như: Airbnb, RelayRides, DogVacay, LiquidSpace,… Các công ty này sử dụng công nghệ điện thoại, GPS, 3G, 4G, 5G thanh toán online khiến cho mô hình kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian. Đồng thời, tiết kiệm vốn của công ty (không phải mua ôtô, xây khách sạn) thông qua sử dụng vốn cộng đồng (xe ôtô của người tham gia, nhà ở của người tham gia) giúp các công ty có thể vươn tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới.
Hiện nay, nền kinh tế chia sẻ có nhiều mô hình ứng dụng trên nền tảng công nghệ như:
- Mạng lưới cung cấp dịch vụ để thay việc mua sản phẩm: Sản phẩm chuyển thành dịch vụ, sở hữu trở thành cho thuê, bán một lần chuyển thành cho thuê theo mức sử dụng.
- Chợ tái phân phối nguồn lực: Phân phối sản phẩm dịch vụ: từ nơi không được cần sang nơi nó được cần hơn (Ebay, Chợ tốt, Craigslist, 99dresses,…).
- Lối sống hợp tác: Nền tảng giúp chia sẻ và trao đổi những tài sản như thời gian, kỹ năng, tiền, kinh nghiệm,… (Aribnb, TaskRabbit, SkillShare).
Tóm lại, nền kinh tế chia sẻ là phương thức áp dụng công nghệ nhằm giảm sự lãng phí trong tiêu dùng, hướng tới cộng đồng, thành phố thông minh nơi tài nguyên được dùng một cách hiệu quả nhất. Phá vỡ những rào cản, kinh tế chia sẻ đưa công nghệ vào vận hành hệ thống kinh doanh, tạo nên một thế giới phẳng hơn, kết nối mạnh mẽ hơn, chia sẻ nhiều hơn, cạnh tranh hơn và mang đến cơ hội kiếm tiền cho tất cả mọi người. Đây chính là những yếu tố minh chứng rằng, kinh tế chia sẻ không phải một hiện tượng nhất thời, mà còn có tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai.
2. Lợi ích và thách thức do mô hình kinh tế chia sẻ mang lại
- Lợi ích
Một là, kinh tế chia sẻ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở Việt Nam. Ví dụ đối với dịch vụ cho thuê phòng ở, theo Báo cáo “Homesharing Vietnam Insights” giai đoạn 2015 - 2019 của Outbox Consulting, số lượng phòng Airbnb ở Việt Nam đã lên đến 40.804 cơ sở, tăng hơn 40 lần chỉ sau 4 năm - từ con số 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019. Trong đó, tốc độ tăng trưởng số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng luôn đạt mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hàng năm trên AIRBNB tại TP. Hồ Chí Minh là 97%, ở Hà Nội là 112% và Đà Nẵng là 111%.
Hai là, kinh tế chia sẻ ngày càng được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Kinh tế chia sẻ cung cấp các nguồn lực trong nước đến người có nhu cầu một cách nhanh chóng thông qua công nghệ, hay nói cách khác là tận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội; tận dụng hiệu quả về cả thời gian và tiết kiệm chi phí. Nhờ sự thuận tiện cho người sử dụng mà các mô hình kinh tế chia sẻ ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen đối với người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á công bố mới đây cho thấy: Ở Việt Nam chỉ có 18% người được hỏi từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới. Trong khi đó, số người được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ tại Việt Nam lên tới 76%, cao hơn mức bình quân 66% của toàn cầu. Bên cạnh đó, đối với dịch vụ vận tải trực tuyến, theo báo cáo 5 năm kể từ khi thành lập của Grab thì ứng dụng kinh tế chia sẻ này đã giúp khách hàng tiết kiệm rất nhiều thời gian dành cho việc di chuyển, (Grab giúp giảm 1/2 thời gian di chuyển - Grab 2017). Ngoài tiết kiệm thời gian, Grab còn giúp khách hàng giảm 20 - 30% chi phí đi lại, giảm 40% những lỗi giấy tờ khi quyết toán chi phí đi lại, minh bạch thông tin cho người dùng.
Ba là, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh sáng tạo trong kinh doanh. Trong lĩnh vực vận tải, đến nay, không chỉ có Grab và Uber mà đã có khoảng 10 hãng taxi khác tham gia cung cấp ứng dụng đặt xe qua mạng, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh tham gia. Không chỉ có thế, Hiệp hội taxi Hà Nội vừa đưa ra đề xuất xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng. Đây là môi trường nền tảng dùng chung cho tất cả hãng taxi là tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bốn là, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng liên tục tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó: Đây là lợi ích lớn nhất của kinh tế chia sẻ. Trong thực tế, xe ô tô cá nhân được dùng cho việc cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ của Uber, Grab, Lyft… đã giúp tiết kiệm tài nguyên của tài sản. Một ví dụ khác, dịch vụ cho thuê thiết bị nông nghiệp của nền tảng Trringo Công ty ô tô Mahindra & Mahindra ở Ấn Độ đã cho phép nông dân thuê được thiết bị, máy móc nông nghiệp bằng cách gọi điện, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của vùng nông thôn. Chỉ khoảng 15% trong số 120 triệu nông dân Ấn Độ có khả năng chi trả để sở hữu thiết bị cơ khí nông nghiệp. Vì vậy, nền tảng này đã cho phép những nông dân khác có thể sử dụng được máy móc nông nghiệp với chi phí thấp hơn nhiều. Đồng thời với việc tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị, tiết kiệm tài nguyên…, các hoạt động kinh tế chia sẻ cũng có tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường.
Sáu là, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng: kinh tế chia sẻ ngày càng phát triển, việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả chính là “cầu” quan trọng cho ngành công nghệ thông tin phát triển.
- Thách thức
Nhìn chung, phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, cụ thể:
Thứ nhất, mô hình kinh tế chia sẻ còn mang tính tự phát. Các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này.
Thứ hai, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử,… và các quy định về thuế hiện nay hầu như chưa có các điều khoản điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp, thậm chí bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế này.
Thứ ba, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia khác trên thế giới vẫn tồn tại tranh cãi về nghĩa vụ thuế đối với loại hình kinh tế chia sẻ, nhất là vấn đề thu thuế của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, vấn đề về tránh đánh thuế hai lần,...
Thứ tư, bên cạnh những lợi ích vượt trội như tận dụng được hạ tầng, phương tiện, tạo thêm nhiều việc làm và mang lại các dịch vụ tiện ích, mô hình nền kinh tế chia sẻ cũng gây ra mối lo ngại về tính pháp lý. Việc thiếu chế tài cho các loại hình mới không chỉ khiến Việt Nam mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng bối rối, vô hình trung tạo sự cạnh tranh không công bằng giữa phương thức kinh doanh truyền thống và phương thức kinh tế chia sẻ.
Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ cách mạng công nghệ 4.0 không chỉ làm thay đổi và hình thành những phương thức sản xuất, kinh doanh mới, mà còn làm nảy sinh các vấn đề mới như: thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia,... Thực tế này, đòi hỏi các nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ).
Thứ sáu, mặc dù kinh tế chia sẻ được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp với nhau nhằm tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau, tuy nhiên nó chưa thực sự phát huy được hiệu quả do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Arun Sundararajan (2018), Nền kinh tế chia sẻ, Nhà xuất bản Trẻ, Hà Nội,
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Tham vấn dự thảo Đề án mô hình kinh tế chia sẻ, Hội thảo, Hà Nội.
- Đình Chiến (2020), Hành lang pháp lý cho mô hình “kinh tế chia sẻ”: Kinh nghiệm thế giới tham khảo cho Việt Nam, https://phaply.net.vn/hanh-lang-phap-ly-cho-mo-hinh-kinh-te-chia-se/, xem ngày 11/12/2020.
- Nielsen (2017), Kết quả khảo sát tại Việt Nam về sẵn sàng sử dụng sản phẩm chia sẻ và sẵn sàng chia sẻ.
The sharing economy – The new business pathway
Master. Nguyen Thi Thu Trang
Faculty of Business Administration
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
The sharing economy is a new economic model which taking advantages of technological advances to lower transaction costs and access to more customers via digital methods. Although the sharing economy is a quite new economic model in Vietnam, it has great potential to grow in the future. There are some sharing economic companies operating in Vietnam including online transport, sharing accommodation and peer-to-peer lending companies. All of these businesses are conditional businesses in Vietnam. This paper presents an overview of sharing economy.
Keywords: sharing economy, tax, management, infrastructure.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]