Với mục tiêu đảm bảo nguồn nhập khẩu, tàng trữ và phân phối an toàn, hiệu quả loại hình kinh doanh khí LNG, PV GAS đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, mục tiêu là từ năm 2022 bắt đầu nhập khẩu LNG để bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí /LNG tại Việt Nam.
Hiện thực hóa Chiến lược năng lượng quốc gia về LNG
LNG là khí thiên nhiên được hóa lỏng. Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170,000 m3 đến 260,000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155,000 m3 đến 170,000 m3. Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nghị quyết 55-NQ/TW được Bộ Chính trị phê duyệt ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đặt ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp cụ thể đối với ngành công nghiệp Khí là: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”; “Phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước. Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”;…Quyết định 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, trong đó xác định rõ: “Thị trường khí năm 2021 đến 2025 cần được xây dựng và phát triển trên nguyên tắc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước chuyên ngành (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam)”.
Quyết định 60/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/01/2017 về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 cũng đã xác định rõ quan điểm là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; triển khai nhập khẩu LNG; hội nhập với thị trường khí trong khu vực, thế giới; nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng tiếp nhận, nhập khẩu LNG với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; hình thành và triển khai các dự án hợp tác sản xuất LNG ở nước ngoài, vận chuyển và phân phối tại Việt Nam.
Có thể thấy rằng Nghị quyết 55-NQ/TW, Quyết định 2233/QĐ-TTg, Quyết định 60/QĐ-TTg đều đã xác định rất rõ công tác nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp Khí Việt Nam, PV GAS tích cực hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG và các công tác liên quan để nhập khẩu LNG từ năm 2022 với mục tiêu phân phối an toàn, hiệu quả toàn bộ nguồn khí/LNG trong nước và nhập khẩu. Cùng với đó, PV GAS cũng xây dựng chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí/LNG, đa dạng hóa đối tượng khách hàng cũng như chủ động nghiên cứu làm việc với các hộ tiêu thụ khí/LNG tiềm năng trong tương lai, trong đó các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỷ trọng khoảng trên 70%; tăng cường phát triển các khách hàng hóa dầu, hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị khoảng gần 30%.
Đồng bộ xây dựng hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhập và thị trường tiêu thụ LNG
Trong định hướng phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Khí, PV GAS xác định tập trung đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực chính, cốt lõi, đảm bảo hiệu quả; ưu tiên đầu tư hạ tầng nhập khẩu và tiêu thụ LNG; tối ưu hóa hệ thống hạ tầng có sẵn; xác định danh mục hạ tầng năng lượng có thể dùng chung và cơ chế dùng chung.
Dựa trên cơ sở đó, PV GAS tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG nhập khẩu nhằm bổ sung nguồn cung cấp khí cho thị trường tiêu thụ. Trong đó, PV GAS/Petrovietnam đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải. Tính đến hiện tại, tiến độ dự án Kho LNG Thị Vải hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào Quý III/2022. Các dự án đồng hành như trạm xuất LNG bằng xe bồn tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải – Phú Mỹ… cũng đang triển khai tích cực, đảm hoàn thành đồng bộ.
PV GAS sẽ tập trung nguồn lực phát triển đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu, tàng trữ, phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: Khu vực miền Nam (Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm); Khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ); Khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).
Về hệ thống đường ống phân phối, PV GAS phát triển các đường ống vận chuyển LNG sau khi tái hóa khí đến các hộ tiêu thụ trên cơ sở tận dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu. Trong đó, tại khu vực Đông Nam bộ: Xây dựng hệ thống đường ống LNG đấu nối từ đầu ra Kho chứa LNG Thị Vải vào các hệ thống đường ống hiện hữu của PV GAS; Nghiên cứu xây dựng dự án đường ống kết nối Đông - Tây để nâng công suất vận chuyển và mở rộng hạ tầng phân phối khí LNG đến các hộ tiêu thụ khí LNG cho cả khu vực Đông và Tây Nam bộ. Đối với Kho chứa LNG Sơn Mỹ, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối tại miền Trung; đầu tư đường ống kết nối để vận chuyển LNG từ Sơn Mỹ/Ninh Thuận về Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối vào hạ tầng hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ. Ở khu vực phía Bắc, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối khí từ đầu ra kho LNG tại khu vực Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa có tính đến việc kết nối và tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có của hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình để vận chuyển và cung cấp khí cho khách hàng.
Nhằm sử dụng tối ưu hệ thống hạ tầng khí, PV GAS thực hiện quy hoạch các cảng xuất nhập LNG thành các cảng hỗn hợp có bổ sung thêm chức năng xuất nhập sản phẩm lỏng và dịch vụ logistic để tận dụng hạ tầng kho cảng, cũng như hành lang các tuyến ống hiện hữu để chủ động cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Về nguồn nhập khẩu LNG, PV GAS tập trung công tác chuẩn bị nguồn nhập khẩu ngắn và trung hạn; hiện đã ký 6 Hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến (MSPA) với các nhà cung cấp LNG.
Công tác chuẩn bị tiêu thụ LNG cũng được PV GAS triển khai tích cực thông qua việc tập trung xây dựng cơ chế giá, cước phí cho sản phẩm LNG tái hóa, theo từng nguồn nhập khẩu và đối tượng khách hàng; Đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán với các khách hàng, các đơn vị kinh doanh và tiếp tục tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu mua LNG để tăng sản lượng tiêu thụ; xây dựng chiến lược phát triển thị trường của PV GAS theo từng giai đoạn (ngắn, trung, dài hạn) và chiến lược kinh doanh của các đơn vị thành viên.
Cùng với đó, PV GAS nhận sự chỉ đạo và hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chủ động làm việc với các Bộ, ngành liên quan: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hải quan…, để chuẩn bị các thủ tục liên quan trong công tác nhập khẩu, cũng như đảm bảo các quy định an toàn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm LNG nhập khẩu.
Công tác chuẩn bị nhập khẩu và phát triển LNG đang được PV GAS triển khai tích cực, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng quốc tế. Chiến lược phát triển mảng năng lượng LNG cũng góp phần quan trọng, nhằm nâng cao vị thế của PV GAS. PV GAS tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong, khẳng định vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp Khí nói chung và lĩnh vực LNG tại Việt Nam nói riêng.