PV Trans (PVT) ước tính lợi nhuận quý 2/2024 giảm 22%

Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT) ước tính lợi nhuận quý 2/2024 giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
PV Trans
Sau nửa đầu năm, PV Trans đã hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu cả năm.

Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) vừa cho biết, ước tính doanh thu quý 2/2024 đạt 2.664 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế trong quý giảm tới 22%, còn 354 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của PV Trans ước đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 740 tỷ đồng.

Trong năm 2024, PV Trans đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 760 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 38% so với kết quả của năm 2023. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, PV Trans đã thực hiện được khoảng 59% kế hoạch doanh thu cả năm.

Mới đây, PV Trans đã hoàn tất việc phát hành hơn 32 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông. Qua đó, nâng vốn điều lệ của PV Trans lên mức 3.560 tỷ đồng, tương ứng tăng 10%.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, triển vọng kinh doanh thời gian tới của PV Trans tiếp tục ở mức tích cực trong bối cảnh giá thuê tàu dầu duy trì ở mức cao. Các hợp đồng thuê tàu chở dầu thô và xăng dầu thành phẩm với giá thấp trong giai đoạn trước đây của PV Trans cũng chuẩn bị hết hạn, mở ra cơ hội có các hợp đồng mới với mức giá cao hơn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo PV Trans cũng cho biết, thị trường vận tải hàng lỏng như dầu thô, dầu sản phẩm trong năm nay đang có xu hướng tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc dần ổn định cùng với làn sóng khởi động lại các nhà máy lọc dầu trên thế giới.

Giá cổ phiếu PVT PV Trans
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVT của PV Trans trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "PV Trans (PVT) tăng vốn điều lệ lên gần 3.600 tỷ đồng, xoay trục sang mảng vận tải hoá chất" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, căng thẳng tại Trung Đông và xung đột giữa Nga với Ukraine sẽ là động lực tăng giá cước vận chuyển khi làm cho quãng đường và thời gian vận chuyển bị kéo dài hơn trong bối cảnh nguồn cung tàu đang khan hiếm, ban lãnh đạo PV Trans chia sẻ.

PV Trans hiện đang sở hữu 52 tàu với nhiều chủng loại như tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời, với tổng trọng tải gần 1,5 triệu DWT.

Triển vọng kinh doanh của PV Trans thời gian tới không chỉ đến từ mảng vận tải dầu thô và xăng dầu mà còn đến từ mảng vận tải hóa chất. Thị trường vận tải hóa chất được đánh giá là ít biến động mạnh, giá cước ổn định và có biên lợi nhuận gộp cao. Đây cũng là một thị trường tiềm năng khi nhu cầu trong khu vực ở mức cao nhưng nguồn cung còn khá ít.

PV Trans cũng đang có chiến lược xoay trục dần sang mảng vận tải hoá chất với mục tiêu sở hữu khoảng 37 tàu hoá chất vào năm 2025, tương đương khoảng 30% cơ cấu đội tàu. Riêng trong năm nay, PV Trans dự kiến chi hơn 3.100 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng đội tàu; trong đó, dự kiến có thêm 3 - 4 tàu chở hoá chất gia nhập đội tàu.

Duy Quang