Tham dự Hội nghị tập huấn tại điểm cầu Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội, có ông Chu Xuân Kiên - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Công San - Phó Trưởng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và lãnh đạo các sở, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố gồm: Công an Thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội…
Tại hội nghị tập huấn, những kinh nghiệm điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường kinh doanh mạng đã được các lực lượng chức năng chia sẻ: Như các lực lượng chức năng đã chỉ ra những khung pháp lý cho thương mại điện tử và xử lý vi phạm liên quan đến thương mại điện tử, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin truyền thông và kinh doanh hàng giả, hàng cấm qua đường bưu chính viễn thông và Internet.
Cách nhận diện hành vi, phương thức thủ đoạn vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong quản lý thuế và những hành vi vi phạm về thuế trong thương mại điện tử, những nhận diện hành vi, phương thức, thủ đoạn vi phạm trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng.
Đặc biệt, chia sẻ về nghị định 98/2020/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một số vi phạm phổ biến hiện nay như không đăng ký, thông báo hoạt động kinh doanh, cung cấp thông tin khách hàng; giao kết hợp đồng sử dụng, giả mạo thông tin, Vi phạm pháp luật về Khuyến mại, Quảng cáo, hàng cấm bán online.
Các đơn vị chức năng cho rằng, việc phát triển thương mại điện tử đồng nghĩa với việc kiểm soát thị trường sẽ gặp nhiều bất lợi vì đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo có địa chỉ ma, số điện thoại không rõ ràng, dịch vụ bưu chính vẫn chưa có chế tài chặt chẽ.
Bên cạnh đó, vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả trong công tác thu thập thông tin, tài liệu và phối hợp điều tra xử lý, các lực lượng đấu tranh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ, cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng lực lượng tham gia công tác điều tra xử lý.