Theo đó, tối ngày 10/8/2023, trên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Phú Yên phối hợp phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám phương tiện xe ôtô tải mang biển kiểm soát 89H-018.47 chạy theo hướng TP. Hồ Chí Minh - TP. Hà Nội, do ông Nguyễn Trọng Chung, địa chỉ: Thôn 4, xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên là người trực tiếp điều khiển phương tiện cũng là người quản lý hàng hóa.
Kết quả khám phương tiện, Đội QLTT số 1 đã phát hiện trên xe vận chuyển 4.056 kg thuốc shisha, đựng trong 12.168 hộp mang nhãn hiệu Adalya, loại 250g, made in Turkey. Tại thời điểm khám phương tiện vận tải, lái xe không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 1 tiến hành thu giữ hơn 4 tấn shisha hiệu Adalya để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Shisha có phải là chất gây nghiện
Shisha là tên gọi của một loại thuốc hút có xuất xứ từ Ả Rập từ hơn 400 năm trước, còn có tên gọi là thuốc lào Ả Rập, có chứa Nocotine - một chất gây hưng phấn, gây nghiện. Trong shisha có chứa carbon monoxide và rất nhiều loại chất độc hại khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nicotin có trong shisha cũng gây nghiện và mang đến hậu họa khôn lường nhưng những người sử dụng hầu như chỉ cho rằng shisha hoàn toàn là hương trái cây tự nhiên nên thỏa sức hút shisha.
Mặc dù shisha có hương trái cây còn khói đi qua nước nhưng thật sự thì khói vẫn đi thẳng vào phổi, một bình shisha thường được hút trong khoảng 40 phút, tương đương với số lần hít vào sẽ là 50-200 lần.
Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ đã có những kết quả bất ngờ về tác hại của shisha. Nếu một giờ hút shisha, một người sẽ hít gấp 100-200 lượt khói và lượng nicotin thâm nhập vào cơ thể nhiều hơn 70% so với hút một điếu thuốc. Shisha khi hút vào sẽ tác động trực tiếp vào đường hô hấp, các cơ quan hô hấp. Ngoài ra còn tác động lên hệ thần kinh gây ra ảo giác ở một số người. Người hút shisha cũng trực tiếp đưa các chất độc như hắc ín, monoxide carbon, và những chất gây ung thư khác vào cơ thể mình, và nó còn nhiều gấp 100 lần so với thuốc lá. Người hút shisha có nguy cơ bị lao, bị ung thư phổi và còn nhiều căn bệnh khác như ung thư vòm họng, các bệnh về răng miệng…
Shisha có được phép lưu hành tại Việt Nam?
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha. Các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng.
Để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn.
Kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn.