8 vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 5 năm áp dụng Nghị định số 83/2015/NĐ-CP, đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng đang tồn tại một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ nhất, vốn đầu tư ra nước ngoài chưa được định nghĩa một cách thống nhất và rõ ràng về thành phần, ý nghĩa sử dụng mặc dù đây là khái niệm quan trọng làm cơ sở phân biệt các quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (GCNĐK ĐTRNN).
Thứ hai, pháp luật hiện hành không có hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết phải hạn chế để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam, cũng như đảm bảo hạn chế rủi ro về pháp lý, an ninh.
Thứ ba, một số vấn đề phát sinh mới như hoạt động cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đặt ra nhu cầu xem xét việc phân công quản lý nhà nước và quy trình, thủ tục, điều kiện thực hiện.
Thứ tư, thiếu quy định về đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp này không làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư (đặc biệt là vốn đầu tư) của họ tại Việt Nam nói riêng và đảm bảo mục tiêu quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung.
Thứ năm, chưa có quy định để xác định thế nào là đầu tư theo hình thức “góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó”.
Đặc biệt là nội dung “tham gia quản lý”, nhằm phân biệt với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (mua bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài).
Thứ sáu, các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp/điều chỉnh/chấm dứt hiệu lực GCNĐK ĐTRNN hiện hành còn tồn tại một số nội dung thiếu cụ thể và rõ ràng, dẫn đến các cơ quan nhà nước không thống nhất trong việc giải quyết hồ sơ, còn nhà đầu tư lúng túng trong việc lập hồ sơ, mất nhiều thời gian giải trình, bổ sung;
Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh trong thực tế đòi hỏi bổ sung quy định hướng dẫn như hiệu đính thông tin không chính xác trên GCNĐK ĐTRNN hoặc quá trình xem xét, chấm dứt hiệu lực GCNĐK ĐTRNN chưa quy định rõ sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý.
Thứ bảy, quy định nhiệm vụ quản lý nhà nước còn dàn trải ở nhiều bộ ngành, địa phương trong khi một số cơ quan không có công cụ quản lý hoặc nhiệm vụ quản lý cụ thể.
Thứ tám, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với thủ tục hành chính về đầu tư ra nước ngoài.
Trong giai đoạn đầu sẽ triển khai áp dụng với thủ tục cấp, điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN đối với hồ sơ có quy mô vốn dưới 20 tỷ đồng. Hiện chưa có quy định pháp lý cho vấn đề này để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bổ sung nhiều nội dung mới
Dự thảo Nghị định mới sẽ quản lý chặt chẽ hơn đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước hoặc các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng nhiều ngoại tệ nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước về ngoại hối; Tăng cường trách nhiệm và công cụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản và báo chí, phát thanh, truyền hình; Bổ sung khái niệm “vốn đầu tư ra nước ngoài”.
Bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài dẫn chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bổ sung quy định chuyển tiếp đối với dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp GCNĐK ĐTRNN nhưng theo quy định mới không được coi là hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Bổ sung quy định hướng dẫn về việc điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN đối với dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp GCNĐK ĐTRNN nhưng theo quy định mới là hoạt động đầu tư có điều kiện.
Bổ sung quy định về đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài; Bổ sung quy định hướng dẫn tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó.
Bổ sung các quy định hướng dẫn cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài: Bổ sung nguyên tắc trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) đầu tư ra nước ngoài;
Bổ sung hướng dẫn về quy cách hồ sơ đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung quy trình cập nhật thông tin dự án đầu tư ra nước ngoài có thay đổi nhưng không thuộc diện phải điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN;
Bổ sung quy trình cấp, điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung thủ tục hiệu đính GCNĐK ĐTRNN trong trường hợp thông tin không đúng theo đăng ký.
Sửa đổi, hủy bỏ một số quy định hiện hành
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi hồ sơ, trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực GCNĐK ĐTRNN; Sửa đổi trách nhiệm của một số bộ, ngành và cơ quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu) theo hướng tập trung vào công tác quản lý chuyên môn của các cơ quan.
Đồng thời, bỏ nội dung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước cụ thể đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương với 47 điều, trong đó sửa đổi 23 điều, bổ sung mới 7 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 2 điều đã được gửi lấy ý kiến bằng văn bản các Bộ, ngành, một số địa phương, một số tổ chức và doanh nghiệp và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.