Đô thị đẹp: chuyện đồng vốn:
KTS. Hồ Thiệu Trị cho rằng, để có một đô thị đẹp, thì quy hoạch tốt luôn phải đi theo kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị tốt. Đó là các yếu tố không thể tách rời để có thể kiến tạo nên một đô thị đẹp. “Nếu chúng ta chỉ quan tâm chủ yếu vào quy hoạch mà không chú ý tới kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị, thì đô thị của chúng ta sẽ không có nét đặc sắc riêng. Nét đặc sắc riêng này không phải chỉ riêng những công trình kiến trúc cổ hay hiện đại, mà nó còn là những vật thể nhỏ nhất, những vật thể phi kiến trúc. Nét đặc sắc này cũng chính là những nỗi nhớ tiềm ẩn trong mỗi con người đô thị hôm nay và ngày mai. Việc không để ý đến kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị là một trong những nguyên nhân làm cho không gian quy hoạch đô thị bị sai lệch rất nhiều với ý tưởng nguyên bản của nó”. KTS. Hồ Thiệu Trị nhận xét.
Ngoài ra, điều kiện để có thể thực thi quy hoạch, hay nói cụ thể hơn là vốn đầu tư cũng chính là một yếu tố quan trọng để có đô thị đẹp. Những nhà quản lý đang gặp phải một trong những lực cản lớn nhất là thiếu vốn, kéo theo sự đầu tư không đồng bộ và hoàn chỉnh, vì thế mà một số năm gần đây, đã có một giải pháp cho vấn đề vốn là việc “đổi đất lấy hạ tầng”, đồng thời mở rộng phát triển các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư theo chính sách này. Song, như thực tế cho thấy, giải pháp này lại đưa đến những tiêu cực khác trong quá trình “đổi đất” bằng những “thương lượng cửa sau”….
Vậy, có giải pháp về vốn nào khác để thực hiện quy hoạch đô thị tốt hơn, hợp lý hơn không? “Hiện nay, việc dùng vốn đầu tư nước ngoài có thể là giải pháp tốt, khi chúng ta chưa đủ mạnh về tài chính. Vốn nước ngoài dưới dạng BTO hay của ODA có thể sử dụng để phát triển những dự án quy hoạch lớn cho đô thị, như hệ thống giao thông, xa lộ cao tốc, các hệ thống quan trọng vào vùng, miền… Sự tham gia của vốn nước ngoài trong những dự án lớn, đồng thời, với sự huy động vốn trong nước cho những dự án trung và nhỏ sẽ giúp việc thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ và nhịp nhàng”. KTS Hồ Thiệu Trị nhận xét. Đây cũng là chuyện mà TP.HCM đang bắt đầu làm.
Không chỉ là chuyện có bao nhiêu tiền…
TP.HCM đang gặp phải lực cản gì để có được một đô thị đẹp nếu như có tiền và có được một huy hoạch tốt?. Liệu có phải đồng vốn và quy hoạch là hai vấn đề thiếu lớn nhất hiện nay trong xây dựng một khu đô thị đẹp?. Ý kiến ở đây là rất nhiều vấn đề trong đô thị vốn không phải do bản thân đô thị sai, mà chủ yếu là do con người không thạo trong việc quy hoạch, kinh doanh và quản lý. Chính vì thế, mà quản lý đô thị là vấn đề không thể là thứ yếu trong việc tạo dựng một khu đô thị đẹp. Quản lý đô thị cũng là một quá trình từ thời điểm trước, trong và sau khi khai thác xây dựng quy hoạch đô thị.
“Ở nước ta hiện nay, các dự án quy hoạch chi tiết đều có các văn bản điều lệ quản lý kèm theo, nhưng các văn bản quản lý này còn rất chung chung, chưa đi sâu vào việc quản lý, chưa làm đúng được cái tinh thần của đồ án quy hoạch. Thêm vào đó là sự quản lý chưa tốt, “lách luật” đã làm cho diện mạo của đô thị trên thực tế bị biến dạng rất nhiều”. Nhiều ý kiến đặt vấn đề với tân Chủ tịch Lê Hoàng Quân trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM vào tuần qua.
Dẫn chứng cụ thể, dưới góc nhìn lý thuyết kiến trúc cho thấy, thời gian vừa qua, chọn lựa phương thức làm nhà ở theo kiểu chia lô, nếu đáp ứng nhu cầu nhà ở tức thời, thì cũng lộ rõ nhược điểm là xấu đi bộ mặt đô thị. Mặt khác, do luật lệ quy hoạch và xây dựng chiều cao còn thiếu xót, nên nhà cao tầng của các dự án đầu tư nước ngoài chưa có tác dụng góp phần làm đẹp bộ mặt Thành phố, đặc biệt là khu trung tâm.
Những tranh luận gần đây về các dự án cao ốc tại khu vực trung tâm Quận I cho thấy, việc tăng cường khuôn khổ thể chế và quy định chặt chẽ hơn cho mọi công trình nhà ở và nhà cao tầng là cần thiết. Song song, giải pháp tương lai cho vấn đề cư trú là tăng cường nhà chung cư và giới hạn nhà chia lô tiếp tục là đề xuất với đô thị hiện đại.
“Đối với một đất nước mà đa số là dân nông thôn, việc nông dân dịch chuyển vào đô thị tìm việc làm ăn là hiện tượng bình thường. Nhưng rõ ràng ta chưa dự kiến chuyển được lối sống nông thôn vào thế giới đông đặc người ở thành phố. Bước chuyển tiếp tạm bợ và khó khăn đó cần được chú ý giải quyết, nếu không sẽ tạo ra khu vực phi chính quy, một bài toán nan giải của đô thị các nước thuộc Thế giới thứ ba”. KTS. Nguyễn Hữu Thái cảnh báo.
Trước mắt, theo một tuyên bố tại Hội nghị chuyển giao công nghệ và hướng dẫn sử dụng phần mềm giao lưu trực tuyến cho TP.HCM và ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, vào tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực cho biết, sẽ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành, báo cáo về tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, sau đó Bộ sẽ đi phúc tra tại các địa phương. Tiếp đó, Bộ sẽ đưa lên mạng thông qua giao lưu trực tuyến để kiểm tra rồi mới có kết luận cuối cùng trình Chính phủ, quy hoạch nào giữ lại, quy hoạch nào kiên quyết loại bỏ.
“Đến tháng 6/2007 sẽ chấm dứt tình trạng quy hoạch treo, dự án treo”-Bộ trưởng Mai Ái Trực khẳng định. Đây cũng là thách thức đặt ra cho người vừa nhận chức vụ “thị trưởng” TP.HCM với vai trò nhạc trưởng tạo cho sự hài hoà của một đô thị lớn nhất nước; mà đặc biệt là tạo được nơi chốn an cư ổn định để mọi người có thể “lạc nghiệp” – điều mà thời gian qua có quá nhiều người dân khốn khổ vì đủ mọi chuyện “treo”: quy hoạch treo, rồi tái định cư treo và đền bù giải tỏa cũng treo nốt.?