Quản lý ngân sách nhà nước: Trường hợp huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

PHẠM VIẾT HƯNG (Ban Chỉ huy quân sự phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), TS. TRẦN ĐĂNG KHOA (Khoa Quản trị - Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Ngân sách nhà nước cấp huyện là công cụ để chính quyền cấp huyện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình quản lý nền kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Huyện Can Lộc với vị trí chiến lược của tỉnh Hà Tĩnh, được đánh giá là đơn vị phát triển kinh tế, xã hội trọng tâm của tỉnh. Trong nhiều năm qua, công tác quản lý ngân sách nhà nước của huyện Can Lộc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, công tác quản lý ngân sách nhà nước của huyện Can Lộc cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Trong điều kiện cần phải đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2016 - 2020 để bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả thời kỳ chiến lược 2011 - 2020, công tác quản lý ngân sách nhà nước của Huyện cần có những cải thiện, nâng cao hiệu quả cao hơn. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng quản lý và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa hoạt động quản lý ngân sách nhà nước tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ khóa: Huyện Can Lộc, ngân sách nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh.

1. Giới thiệu

Trong hệ thống ngân sách nhà nước ở Việt Nam hiện nay, ngân sách nhà nước cấp huyện được hình thành, gắn liền và là công cụ điều hành của chính quyền hành chính cấp huyện. Ngân sách nhà nước cấp huyện là một bộ phận cấu thành ngân sách nhà nước, là công cụ để chính quyền cấp huyện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình quản lý nền kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Huyện Can Lộc với vị trí chiến lược của tỉnh Hà Tĩnh, được đánh giá là đơn vị phát triển kinh tế, xã hội trọng tâm của tỉnh. Trong nhiều năm qua, công tác quản lý ngân sách nhà nước của huyện Can Lộc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Can Lộc nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung (ví dụ: thu ngân sách nhà nước của huyện Can Lộc thường vượt so với kế hoạch).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác quản lý ngân sách nhà nước của huyện Can Lộc cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, chẳng hạn như chi ngân sách của huyện luôn cao hơn so với dự toán: năm 2013 vượt tới 31%; năm 2014 vượt 31,3%... Trong điều kiện cần phải đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2016 - 2020 để bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả thời kỳ chiến lược 2011 - 2020; đồng thời trong giai đoạn này bắt đầu từ năm ngân sách 2017 sẽ áp dụng Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 với nhiều thay đổi mới, công tác quản lý ngân sách nhà nước cần có những cải thiện, nâng cao hiệu quả cao hơn.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Ngân sách nhà nước

Thuật ngữ ngân sách nhà nước (NSNN) xuất hiện khi Nhà nước phát triển đến một giai đoạn nhất định mà ở đó có sự phân biệt giữa tài chính công và tài chính tư. Như vậy NSNN là một phạm trù kinh tế mang tính lịch sử, phản ánh các quan hệ kinh tế, thuộc lĩnh vực phân phối sản phẩm xã hội trong điều kiện tồn tại quan hệ hàng hóa - tiền tệ. Theo quan điểm của các nhà kinh tế cổ điển, NSNN là một văn kiện tài chính, trong đó mô tả các khoản thu, chi của Chính phủ được thiết lập hàng năm. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Tài chính (1999) cho rằng, NSNN là dự toán và thực hiện mọi khoản thu nhập (thu tiền vào) và chi tiêu (tiền xuất ra) của bất kỳ một cơ quan, xí nghiệp, tổ chức, gia đình hoặc cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). Còn theo Học viện Tài chính (2007), NSNN là dự toán hàng năm về toàn bộ các nguồn tài chính được huy động cho Nhà nước và sử dụng các nguồn tài chính đó nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước do Hiến pháp quy định.

2.2. Ngân sách nhà nước cấp huyện

Ngân sách nhà nước cấp huyện là một bộ phận cấu thành của NSNN, do đó nó phản ánh các mối quan hệ giữa ngân sách cấp huyện với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện trong quá trình phân bổ, sử dụng của cải xã hội. Ngân sách huyện là công cụ quan trọng của chính quyền cấp huyện trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngân sách huyện là toàn bộ các khoản thu, chi được quy định đưa vào dự toán trong 1 năm do HĐND huyện quyết định và giao cho UBND huyện tổ chức chấp hành nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện.

2.3. Quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện

Quản lý NSNN là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, điều hành và kiểm soát các hoạt động thu chi từ quỹ NSNN nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Quản lý NSNN cấp huyện là hoạt động của các chủ thể quản lý thông qua việc sử dụng có chủ định các phương pháp quản lý và các công cụ quản lý để tác động và điều chỉnh hoạt động của ngân sách cấp huyện nhằm đạt mục tiêu đã định.

Nội dung quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện bao gồm: Quản lý thu ngân sách nhà nước cấp huyện, quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện, cân đối NSNN cấp huyện.

2.4. Quản lý chu trình ngân sách nhà nước huyện

Quản lý chu trình ngân sách nhà nước huyện bao gồm những nội dung sau:

Lập dự toán ngân sách nhà nước cấp huyện: Việc lập dự toán NSNN cấp huyện căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương; phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện; các chính sách, chế độ thu ngân sách, định mức phân bổ ngân sách; chế độ, tiêu chuẩn và định mức chi ngân sách; tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp huyện năm hiện hành và các năm trước.

Chấp hành NSNN cấp huyện: Việc chấp hành ngân sách cấp huyện được tuân thủ theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, Nghị quyết của HĐND tỉnh, dưới sự điều hành của UBND huyện và giám sát của HĐND huyện.

Quyết toán NSNN cấp huyện: Quyết toán ngân sách huyện là khâu cuối cùng của một chu trình ngân sách. Đó là việc tổng hợp lại quá trình thực hiện dự toán ngân sách khi năm ngân sách kết thúc nhằm đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động của 1 năm ngân sách từ đó rút ra ưu, nhược điểm và bài học kinh nghiệm cần thiết trong việc điều hành NSNN trong những chu trình ngân sách tiếp theo.

2.5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện

Trong quản lý NSNN cấp huyện vai trò này được thể hiện ở các nội dung sau: Thứ nhất, thanh tra là phương thức bảo đảm trật tự, kỷ cương trong quản lý tài chính, ngân sách từ đó góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, việc thanh tra còn nhằm mở rộng và bảo đảm cho quyền dân chủ của nhân dân được thực thi một cách nghiêm minh. Thứ ba, khi xem xét vai trò của thanh tra tài chính trong các giai đoạn lịch sử cho thấy, vai trò quan trọng nữa của thanh tra là nhằm thực hiện tham mưu cho các cấp chính quyền huyện trong giải quyết khiếu nại hành chính, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân, nhận các khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3. Đánh giá thực trạng quản lý ngân sách nhà nước tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

3.1. Những kết quả đạt được

Thông qua việc phân tích thực trạng quản lý thu, chi và quản lý điều hành NSNN của huyện Can Lộc trong giai đoạn 2016 - 2018, có thể tổng kết một số kết quả mà Huyện đã đạt được như sau:

3.1.1. Về công tác lập dự toán ngân sách nhà nước

Trong những năm qua, công tác lập dự toán được xây dựng trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Huyện, đã tuân thủ đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức thu chi NSNN hiện hành và đã góp phần phục vụ và thúc đẩy sản xuất trong huyện ngày một phát triển hơn.

3.1.2. Về công tác chấp hành ngân sách nhà nước

Về thu NSNN của Huyện: Để đảm bảo nguồn thu NSNN, chính quyền huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý và điều hành NSNN thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo, các chỉ tiêu thu, chi ngân sách đều vượt so với dự toán được duyệt, nhất là trong công tác thu ngân sách, đã thông qua việc áp dụng hiệu quả giải pháp xử lý các dấu hiệu rủi ro về thất thu ngân sách, từ đó đã tăng thu cho NSNN hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã phát hiện và khắc phục kịp thời những dấu hiệu vi phạm của các thành phần kinh tế, nâng cao nhận thức cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ đóng nộp ngân sách. Trên cơ sở Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương, của Sở Tài chính Hà Tĩnh, HĐND và UBND huyện đã đưa chu trình quản lý NSNN vào nề nếp, chu trình lập, chấp hành và quyết toán ngân sách đã được các đơn vị quản lý và thụ hưởng NSNN chấp hành nghiêm túc.

Về chi NSNN của Huyện: Ngân sách Huyện đã bố trí hợp lý cho các khoản chi thường xuyên, ưu tiên cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp y tế, đảm bảo chi cho sự nghiệp kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội, chủ động bố trí nguồn để cải cách tiền lương, bố trí kinh phí chi hành chính hợp lý, tiết kiệm từ đó nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của quản lý ngân sách huyện.

3.1.3. Về công tác quyết toán ngân sách nhà nước huyện

Công tác quyết toán đối với NSNN huyện Can Lộc đã được thực hiện theo các chu trình về quyết toán ngân sách cấp huyện. Đối với công tác quyết toán thu, chi ngân sách cấp Huyện: tổ chức thực hiện xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách hàng năm nhằm hướng dẫn, nhắc nhở, phối hợp với thanh tra nhà nước Huyện, thanh tra tài chính, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất một số đơn vị, đảm bảo trước khi quyết toán thông qua UBND huyện phải được xét duyệt, thẩm định hoặc thanh tra để đảm bảo tính chính xác và trung thực của quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP).

3.1.4. Về công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán

Trong những năm qua, kế hoạch công tác hoạt động thanh tra được xây dựng theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2011; Định hướng hoạt động của Thanh tra tỉnh Hà tĩnh, nhất là việc chỉ đạo điều hành thực hiện chức năng QLNN về thanh tra luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo thường trực Huyện ủy, HĐND và UBND huyện.

3.2. Một số hạn chế trong quản lý ngân sách nhà nước tại huyện Can Lộc

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý NSNN của huyện Can Lộc còn tồn tại một số những hạn chế:

3.2.1. Trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước tại huyện Can Lộc

Việc phân cấp quản lý nguồn thu cho các đơn vị vẫn mang tính khuôn mẫu, máy móc chưa phát huy được tính sáng tạo của cấp dưới trong khai thác các nguồn thu địa phương. Việc phân cấp quản lý chi NSNN cho các cấp ở địa phương chưa xứng tầm với khả năng và điều kiện cụ thể của các cấp địa phương, tập trung nhiều vào cấp huyện, chưa phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cấp dưới.

3.2.2. Trong quản lý thu ngân sách

Công tác quản lý thu thuế vẫn còn một số hộ kinh doanh trốn thuế, nợ đọng thuế. Cán bộ quản lý thuế vẫn chưa thực hiện tốt chức năng quản lý giám sát đối tượng nộp thuế. Tình trạng sót hộ vẫn còn phổ biến đối với hộ kinh doanh cá thể, số lượng hộ kinh doanh Chi cục Thuế quản lý thu thường thấp hơn báo cáo của cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể mà nguyên nhân một phần là do các hộ kinh doanh thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh…

3.2.3. Trong chu trình thu, chi ngân sách nhà nước huyện Can Lộc

Trong việc lập dự toán thu, chi: Việc xây dựng kế hoạch hóa nguồn thu, dự toán thu ngân sách có cơ sở xây dựng chưa vững chắc, đôi khi còn mang yếu tố chủ quan, cảm tính. Cơ quan quản lý thu ngân sách chưa làm tốt công tác kế hoạch hóa các nguồn thu, từ đó có biện pháp thu đúng, thu đủ.

Trong quyết toán thu NSNN: Công tác lập dự toán thu NSNN, Chi cục Thuế và các đơn vị chức năng chưa tính toán đầy đủ các nguồn thu, vẫn để tình trạng bỏ sót nguồn thu, gây thất thoát cho NSNN. Bên cạnh đó, số thu ngân sách trong cân đối trên địa bàn chiếm tỷ trọng vẫn còn nhỏ.

Trong quyết toán chi NSNN tại huyện Can Lộc: Quyết toán chi NSNN của một số cơ quan, đơn vị còn nhiều nội dung thực hiện không đúng quy định của Nhà nước vẫn được chấp nhận quyết toán. Việc quyết toán vốn đầu tư các công trình xây dựng cơ bản từ chi NSNN còn chậm so với quy định, vẫn còn tình trạng công trình sai về định mức, đơn giá hay thiếu khối lượng, sai chủng loại vật liệu,… vẫn được quyết toán với NSNN.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra giám sát: Kết quả thanh tra còn hạn chế, chủ yếu vận dụng cho đơn vị rút kinh nghiệm và xử lý một phần về kinh tế. Hơn nữa, chế tài xử lý sau thanh tra chưa được Nhà nước ban hành, dẫn đến một số đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra. Công tác thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, do lực lượng đoàn thanh tra còn mỏng, cán bộ các phòng ban liên quan được cử đi còn bị chi phối bởi công việc chuyên môn nên thời gian tham gia đoàn không đầy đủ, bên cạnh có thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận sau thanh tra thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, dẫn đến kết quả thu hồi chậm, đạt chưa cao.

3.3. Nguyên nhân của những hạn chế

3.3.1. Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất: Huyện Can Lộc là một huyện có địa bàn rộng, với kinh tế có xuất phát điểm thấp, nguồn thu NSNN trên địa bàn chưa cao, phân tán, đáp ứng được gần 30% nhu cầu chi ngân sách. Do vậy việc điều hành ngân sách chưa được linh động, chỉ một sự biến đổi về thu, chi ngân sách hoặc trợ cấp của ngân sách Trung ương (NSTW) đã ảnh hưởng đến việc cân đối và quản lý điều hành NSĐP.

Thứ hai: Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong nước cũng như thế giới, biến động kinh tế trong Nhà nước thắt chặt đầu tư công, các doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn đã gây thất thu NSNN, không cân đối được nguồn thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.

Thứ ba: Vẫn còn những bất cập về hệ thống chính sách, quy định pháp luật là một yếu tố cản trở lớn tới việc thu và chi ngân sách.

3.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất: Việc lập, phân bổ, giao dự toán NSNN hàng năm ở một số cơ quan, đơn vị, cấp cơ sở còn chưa sát với tình hình kinh tế - xã hội của huyện; dự toán thu chưa bao quát hết được nguồn thu nên phần nào đó ảnh hưởng tới công tác cân đối ngân sách để thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.

Thứ hai: Cơ chế chính sách của tỉnh còn chậm được ban hành gây ảnh hưởng tiêu cực đến quản lý NSNN cấp huyện nói chung và huyện Can Lộc nói riêng.

Thứ ba: Phương án phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi, nhất là chi thường xuyên NSNN cấp huyện phụ thuộc hoàn toàn vào phân cấp ngân sách, tỷ lệ (%) điều tiết giữa NSTW và NSĐP. Hơn nữa, định mức phân bổ ngân sách của cấp trên thường cứng nhắc, bị động, gây khó khăn trong việc cân đối chi NSNN.

Thứ tư: Việc kiểm tra xử lý các sai phạm trong hoạt động thu chi ngân sách thực hiện chưa nghiêm, nhất là trong quản lý chất lượng công trình xây dựng cơ bản, xử lý nợ đọng thuế.

Thứ năm: Công tác cải cách hành chính cơ bản đã được triển khai nhưng chưa đi sâu vào hoạt động của các cơ quan nhà nước.

4. Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý NSNN cấp huyện của huyện Can Lộc trong thời gian tới bao gồm:

4.1. Nâng cao hiệu quả việc lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước của huyện

Dự toán thu ngân sách phải đảm bảo chi ngân sách và có tích lũy. Dự toán chi ngân sách cần nắm chắc các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sử dụng ngân sách để phân bổ cho phù hợp. Ngoài khoản chi theo định mức cần có khoản dự phòng chênh lệch trượt giá, chi bổ sung kinh phí cho những nhiệm vụ phát sinh đột xuất, cần thiết phục vụ chuyên môn mà chưa nằm trong các nhiệm vụ mà đơn vị sử dụng ngân sách xây dựng. Đối với chi đầu tư phát triển, phải xác định rõ những nội dung chi trọng điểm, thứ tự ưu tiên các khoản chi, bám sát quy hoạch phát triển kinh tế của huyện. Để khắc phục những hạn chế trong công tác lập dự toán ngân sách theo khoản mục đầu vào, cần thiết phải hướng tới và đẩy mạnh việc lập dự toán theo kết quả đầu ra. Bên cạnh đó cần thiết lập hệ thống thông tin của phương thức lập ngân sách theo kết quả đầu ra. Về phân bổ dự toán theo định mức cần đơn giản hóa và thay đổi vai trò của hệ thống các định mức chi tiêu. Cần xây dựng các chỉ tiêu về hiệu quả, công bằng, tính tương hợp trong những giới hạn nguồn lực có thể đáp ứng.

4.2. Hoàn thiện quản lý thu ngân sách nhà nước tại huyện Can Lộc

Trong quá trình quản lý thu ngân sách, cần phân tích đánh giá các nguồn thu; quản lý tiền, tài sản của Nhà nước và cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Thường xuyên sơ kết, tổng kết việc thực hiện các luật thuế nhằm phát hiện, đề xuất các yếu tố bất hợp lý trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật thuế để Nhà nước có cơ sở từng bước hoàn thiện luật thuế cho phù hợp. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa phòng Tài chính - Kế hoạch huyện với Chi cục Thuế trong việc rà soát, đánh giá các chính sách thu; khảo sát các nguồn thu thực hiện có và dự báo khả năng thu thời gian tới một cách cụ thể và chính xác hơn. Tiếp tục cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các người nộp thuế. Hướng dẫn cho các đối tượng nộp thuế thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý và sử dụng hóa đơn chứng từ, mở sổ sách kế toán, ghi chép hạch toán, đăng ký thuế, kê khai tính thuế, nộp thuế. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế: trốn lậu, khai man doanh thu,… nhằm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trên lĩnh vực thuế, khắc phục những trường hợp vì lợi ích cá nhân, xem nhẹ lợi ích của Nhà nước, coi thường pháp luật.

4.3. Hoàn thiện quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện Can Lộc

Quản lý chặt chẽ chi tiêu công, đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo đúng đối tượng, định mức và tiết kiệm; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán để giảm áp lực điều hành chi thường xuyên NSNN.

Đối với chi đầu tư phát triển: Căn cứ vào chỉ tiêu, nguồn vốn được giao để bố trí chi theo nguyên tắc phải đảm bảo đúng các công trình, hạng mục được duyệt, không tự ý điều chỉnh cho các hạng mục công trình khác.

Đối với chi thường xuyên: Phải đảm bảo chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi đảm bảo hoạt động nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị. Quản lý cấp phát phải đúng nội dung công việc, theo tiến độ hoàn thành có lưu ý đến tính mùa vụ của một số khoản chi như chống lụt bão, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi,… Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện chính sách tinh giảm biên chế gắn với khoản chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc, thực hiện cắt giảm tối đa kinh phí khánh tiết. Hạn chế việc mua sắm trang thiết bị đắt tiền. Nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả kinh phí từ NSNN.

Đối với cơ quan Tài chính cấp huyện: Phòng TC - KH huyện phải có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính. Sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chi trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo phân cấp và dự toán chi NSNN được giao; hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ động tổ chức điều hành các nhiệm vụ chi theo dự toán HĐND; hạn chế tối đa sử dụng nguồn dự phòng ngân sách.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan ngành tài chính và đơn vị sử dụng NSNN về quản lý chi NSNN, như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn trong quản lý tài chính như phòng Tài chính - Kế hoạch.

Các khoản chi ngân sách đều phải được thực hiện theo nguyên tắc phòng Tài chính - Kế hoạch cấp phát qua Kho bạc Nhà nước cho tất cả các đối tượng sử dụng ngân sách để nâng cao hiệu quả kiểm soát ngân sách.

4.4. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính - ngân sách tại huyện Can Lộc

Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng NSNN nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm trong hoạt động quản lý và sử dụng NSNN tại các cơ quan, đơn vị thụ hưởng NSNN trên địa bàn huyện. Để đảm bảo hoạt động quản lý và sử dụng NSNN huyện Can Lộc hoạt động theo đúng luật NSNN, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào một số nội dung cơ bản như: Có chương trình, kế hoạch kiểm tra, thanh tra dài hạn và ngắn hạn; tránh kiểm tra hoặc thanh tra một cách tùy tiện hoặc khi cá nhân, tổ chức khi xảy ra vấn đề trong nội bộ đơn vị thì mới tiến hành thành tra, kiểm tra; Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phải thường xuyên phối hợp với nhau trong thực hiện nhiệm vụ, trước hết là trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch để tránh chồng chéo, từ đó phát huy sức mạnh toàn hệ thống; Cần đào tạo để nâng cao trình độ cũng như phẩm chất đạo đức cho toàn bộ cán bộ công chức, viên chức về quản lý nhà nước và quản lý kinh tế nói chung, đội ngũ cán bộ thanh tra nói riêng; Khi thanh tra nếu phát hiện tham những cần chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra và thẳng thắn xử lý nghiêm minh tham nhũng ở mọi nơi, mọi cấp, mọi cương vị; Nâng cao vai trò giám sát của HĐND các cấp vào việc quản lý, chỉ đạo điều hành quản lý NSNN; Triệt để tuân thủ trình tự, thủ tục xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng NSNN, tránh việc lợi dụng các hình thức giám sát, kiểm tra, thanh tra trong việc quản lý và sử dụng NSNN để trục lợi cá nhân và thực hiện hành vi tiêu cực.

4.5. Tăng cường khuyến khích, thu hút đầu tư tại huyện Can Lộc

Để thu hút đầu tư về huyện, chính quyền địa phương huyện cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hoàn thiện, mở rộng hệ thống giao thông đường bộ để giao lưu kinh tế với các khu vực lân cận. Khuyến khích đầu tư vào những ngành mà huyện có thế mạnh như dịch vụ tại Chùa Hương hay Ngã ba Đồng Lộc... Trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, dự kiến có 9 dự án đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất may mặc, sản xuất dây cáp điện, sản xuất đồ nhựa dân dụng, vật liệu xây dựng… Cần tăng cường đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh, danh mục dự án kêu gọi đầu tư của huyện trên cổng điện tử của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng. Thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư tại chỗ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, ngành thành viên.

4.6. Mở rộng công khai ngân sách nhà nước

Niêm yết công khai các chế độ chính sách nhà nước có liên quan, số liệu dự toán và tình hình thực hiện dự toán NSNN của mỗi đơn vị sáu tháng và kết thúc năm ngân sách. Niêm yết công khai ở nơi công cộng, có thông báo bằng văn bản đến những cơ quan, cá nhân có liên quan.

4.7. Hoàn thiện bộ máy và nâng cao trình độ cán bộ quản lý ngân sách nhà nước

Tổ chức thực hiện tốt công tác phân loại cán bộ theo chuẩn mực về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để bố trí vào các vị trí thích hợp của mô hình tổ chức mới. Thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển, luân phiên công việc đối với cán bộ theo chế độ đã quy định.

Căn cứ vào thực trạng đội ngũ cán bộ hiện tại, trong thời gian tới cần có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tài chính, Thuế, Kho bạc Nhà nước đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh  tế - xã hội và quản lý thu, chi ngân sá#ch địa phương. Coi trọng việc học ngoại ngữ, tin học nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ theo quá trình đổi mới trong thể chế và cơ chế quản lý NSNN. Nâng cao vai trò lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, giúp cho các cơ quan, đơn vị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tổ chức thức hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ song song với việc tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý NSNN.

5. Kết luận

Quản lý NSNN cấp huyện giữ một vai trò rất quan trọng, gắn liền với việc thực hiện các chính sách kinh tế, chính trị, xã hội của Nhà nước nói chung cũng như của chính quyền cấp huyện nói riêng trong từng thời kỳ. Cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy ngân sách cấp huyện là một bộ phận cấu thành của NSNN, một bộ phận quan trọng không thể thiếu của bộ máy chính quyền địa phương. Ngân sách cấp huyện cung cấp các nguồn lực về tài chính cho bộ máy chính quyền huyện hoạt động và thực hiện các chức năng của mình. Thực hiện quản lý ngân sách cấp huyện là một nhiệm vụ mà ở đó hoạt động thu, chi tài chính ngân sách diễn ra được quản lý công khai, minh bạch và đầy đủ. Vì vậy, cần có sự nhận thức đúng mức và đòi hỏi một cách làm hợp lý đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị thụ hưởng ngân sách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Học viện Tài chính (2005), Giáo trình Lý thuyết tài chính, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
  2. Học viện Tài chính (2007), Giáo trình Quản lý tài chính công, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
  3. Ủy Ban nhân dân huyện Can Lộc (2016), Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2016 phân bổ dự toán ngân sách năm 2017, Hà Tĩnh.
  4. Ủy Ban nhân dân huyện Can Lộc (2017), Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2017 phân bổ dự toán ngân sách năm 2018, Hà Tĩnh.
  5. Ủy Ban nhân dân huyện Can Lộc (2018), Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2015 phân bổ dự toán ngân sách năm 2016, Hà Tĩnh.

THE STATE BUDGET MANAGEMENT: CASE STUDY OF CAN LOC DISTRICT, HA TINH PROVINCE

PHAM VIET HUNG

Military Headquarter of Di An ward, Di An town, Binh Duong province

Ph.D TRAN DANG KHOA

Faculty of Business Administration, University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The district-level state budget is a tool for district-level administrative authorities to perform their functions, tasks and powers in the process of managing the socio-economy, and national security and defense in their localities. Can Loc district, Ha Tinh province, which has a strategic provincial position, is considered as the central socio-economic development unit of the province. For many years, the management of the state budget of Can Loc district has achieved many remarkable achievements. However, the management of the state budget of Can Loc district also reveals some limitations that need to be overcome. To promote the implementation of the local socio-economic development objectives in the 2016-2020 period  and to ensure the successful implementation of the socio-economic development objectives of the entire strategic period 2011-2020, it is necessary for Can Loc district to improve its state budget management. This study is to assess the current state budget management of Can Loc district and provide solutions to further improve the district’s state budget management.

Keywords: Can Loc district, state budget, Ha Tinh province.