Hàng lậu, hàng giả tăng cả về số vụ và giá trị tịch thu
Báo cáo của Tổng cục QLTT cho biết, nửa đầu năm dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, thuốc phòng, chữa bệnh, test thử nhanh Covid... giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch. Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm, thời tiết chuyển mùa nắng nóng, cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đường, thuốc lá, bia, nước giải khát tăng cao. Tại khu vực các tỉnh biên giới giáp Campuchia, tuyến đường thẩm lậu hàng hóa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tình hình vi phạm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gia tăng. Điển hình như: Cục QLTT TP Hồ Chí Minh thu giữ gần 10 tấn đường cát nhập lậu, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị thu giữ trên 30 tấn đường cát nhập lậu, hàng nghìn sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu, bia các loại...
Bên cạnh đó, việc trở lại hoạt động bình thường các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kéo theo các vi phạm liên quan đến sử dụng nguyên liệu (thực phẩm) như mỡ, nội tạng và sản phẩm động vật khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến thức ăn diễn biến phức tạp.
Xăng dầu là mặt hàng trọng điểm trong kiểm tra, xử lý
Đặc biệt, nửa đầu năm, ở thị trường trong nước, giá xăng dầu, thép liên tục được điều chỉnh tăng theo giá thị trường thế giới. Cùng thời điểm này công suất lọc dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bị cắt giảm dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh miền Nam vào một số thời điểm, dẫn đến tình trạng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu gia tăng.
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT đã tổ chức Đoàn Thanh tra chuyên ngành đối với 33 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước và Đoàn Thanh tra doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo Quyết định của Bộ Công Thương.
Kết quả kiểm tra, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện giám sát toàn bộ các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc (trên 16.800 cửa hàng) và thực kiểm tra trên 1.000 vụ, xử lý gần 190 vụ vi phạm, số tiền xử phạt hành chính trên 5,9 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu: niêm yết giá bán xăng dầu không đúng giá do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối quy định, không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, tạm ngừng bán hàng khi không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...
Kiểm tra, xử lý gần 30.500 vụ vi phạm
Đối với công tác phối hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm, báo cáo của Tổng cục QLTT nêu rõ, với vai trò là thường trực hoặc thành viên của Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh, lực lượng QLTT đã tham mưu, đề xuất với UBND, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
“Những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường đã được Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm như các vụ việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, thực phẩm chức năng, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng”, báo cáo nhấn mạnh.
Riêng đối với công tác truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục tiếp tục thực hiện việc lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đánh giá của lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, công tác thông tin tuyên truyền thời gian qua đã tạo sức lan tỏa, giúp các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng tự giác, chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm, chủ động tham gia tố giác các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.
Với những nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng, nửa đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra 30.500 vụ; xử lý 17.305 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính trên 113 tỷ đồng. Chuyển cơ quan điều tra 54 vụ.
Từ những kết quả nổi bật trên, báo cáo của Tổng cục QLTT đánh giá, nửa đầu năm, theo chức năng, nhiệm vụ, lực lượng QLTT đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tập trung kiểm tra địa bàn trọng tâm, mặt hàng trọng điểm
6 tháng cuối năm, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT tập trung nắm bắt tình hình vi phạm tại các cửa khẩu, địa bàn nổi cộm có liên quan đến mặt hàng đường, phân bón và xăng dầu.
Song song đó, nắm tình hình lưu chuyển hàng hóa tại các kho chứa hàng của các doanh nghiệp kho vận, doanh nghiệp nhập khẩu hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc tân dược; kịp thời phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu thay đổi thời hạn sử dụng trên nhãn, bao bì hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt tại các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, nổi cộm.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhận định, 6 tháng cuối năm 2022 sẽ là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái, bởi, mặc dù dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trên thương mại điện tử đã trở lại và diễn biến phức tạp. Chưa kể hàng hóa quá “date”, hàng giả, hàng tồn trong quá trình dịch bệnh Covid-19 chưa có cơ hội tiêu thụ thì nay là thời điểm thích hợp.
“Bằng chứng cụ thể là trong 3 tháng gần đây, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, phát hiện rất nhiều vụ việc gian lận thương mại”, Tổng Cục trưởng dẫn chứng và khẳng định, trong 6 tháng cuối năm, chắc chắn tình hình vi phạm sẽ còn tiếp diễn “nóng” hơn.
Do vậy, Tổng Cục trưởng nhấn mạnh, lực lượng QLTT sẽ tập trung vào một số mặt hàng chủ lực chính như xăng dầu, phân bón... Sau đó là vấn đề liên quan đến hàng giả, an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu; hàng giả, hàng nhái trong dịp khai giảng, liên quan đến đồ dùng học sinh; sau đó chuẩn bị đến Tết Dương lịch và Tết Âm lịch… Các vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội...