Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT Thái Bình đã kiểm tra tổng số: 639 vụ (giảm 227 vụ so với 6 tháng đầu năm 2021). Tổng số vụ vi phạm đã xử lý: 496 vụ = 515 hành vi (tăng 146 vụ so với 6 tháng đầu năm 2021). Tổng số tiền thu phạt nộp NSNN (nộp ngân sách trung ương): 1.545.863.000 đồng (tăng 708.727.000 đồng so với 6 tháng đầu năm 2021).
Để có được kết quả trên, Ông Nguyễn Văn Nghiên - Cục trưởng Cục QLTT Thái Bình cho biết: “Cục QLTT Thái Bình đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và căn cứ tình hình thị trường trên địa bàn để lãnh đạo, điều hành đơn vị thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Cục QLTT Thái Bình đã ban hành và triển khai thực hiện 07 kế hoạch trong năm 2022 như: Thanh tra chuyên ngành, Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề... Ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu để xử lý vụ việc vi phạm hành chính vượt thẩm quyền, 02 Quyết định về công tác thanh tra chuyên ngành và 58 văn bản về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và chỉ đạo điều hành đơn vị.
Thực hiện việc giám sát, nắm địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá cả thị trường trên địa bàn để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường; tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực giá nhất là đối với các mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán; chú trọng kiểm tra, giám sát các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các mặt hàng trọng điểm biến động về giá như: Xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, tổ chức các Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục chỉ đạo trực tiếp đi giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu và thực hiện ký cam kết với thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo các Đội QLTT trong công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát địa bàn, tổ chức ký cam kết, niêm yết công khai đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường tại tất cả cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời xử lý thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân tố giác các hành vi vi phạm của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, bố trí cán bộ, công chức trực kiểm tra, kiểm soát thị trường 24/24h tại văn phòng Cục và trên địa bàn Đội QLTT được phân công phụ trách trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán và thời điểm mặt hàng xăng dầu đang biến động phức tạp.
Chú trọng tuyên truyền phố biến kiến thức pháp luật và ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh. Duy trì đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và trên trang Website của Cục để tiếp nhận phản ánh tố giác của nhân dân về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo đài trung ương và địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đăng tải 25 tin bài trên trang Website của Cục, Tổng cục.
Cử công chức tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của chính quyền địa phương và đề nghị phối hợp của các ngành. Thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng, Lãnh đạo Cục QLTT luôn sát sao đôn đốc lãnh đạo các Đội QLTT nâng cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị; chỉ đạo, quán triệt công chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ.