Quảng Nam: 2 năm, xử lý hơn 3.700 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Từ ngày 26/9/2022 đến ngày 14/9/2024, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 3.738 vụ việc vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách hơn 353 tỷ đồng.

Xử lý hơn 3.700 vụ

Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa (Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389), Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Nam (Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam) cho biết, sau 02 năm thực hiện, các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam đã chủ động quán triệt, xây dựng và triển khai Kế hoạch nghiêm túc và có hiệu quả, đảm bảo các quy định của pháp luật.

Các chính sách, quy định của pháp luật làm cơ sở cho hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng hoàn thiện và đầy đủ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tố giác hành vi vi phạm được thực hiện một cách thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hạn chế tình trạng tiếp tay, làm ngơ, bao che cho các đối tượng vi phạm của người dân và lực lượng chức năng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, định hướng tốt dư luận về công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được các cấp ngành của tỉnh chú trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt; thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, giáo dục cán bộ, chiến sĩ; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và người dân.

Trong thời gian từ khi ban hành Kế hoạch triển khai (ngày 26/9/2022 đến ngày 14/9/2024, các lực lượng chức năng thông qua công tác kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, xử lý 3.738 vụ việc vi phạm hành chính (tăng 947.57% so với 02 năm trước khi thực hiện kế hoạch số 92/KH-BCĐ389); với tổng số tiền thu nộp ngân sách 353.325,09 triệu đồng (tăng 2.027,09% so với 02 năm trước khi thực hiện kế hoạch số 92/KH-BCĐ389).

Cục Quản lý thị trường Quảng Nam
Trong 2 năm, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam xử lý 3.738 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ảnh: Cục QLTT Quảng Nam

Khởi tố 585 vụ/731 đối tượng (tăng 504,67% so với 02 năm trước khi thực hiện kế hoạch số 92/KH-BCĐ389). Số hành vi vi phạm hành chính bị xử lý gồm: 943 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 2751 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 44 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi

Theo Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam, thời gian qua, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

Với tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ (Nam Giang, Tây Giang), địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở, dân cư thưa thớt, kinh tế khó khăn, có nơi chưa bố trí đủ lực lượng để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động.

Tuyến đường biển, cảng biển (cảng Kỳ Hà, cảng Chu Lai), đây là tuyến đường có lưu lượng hàng hóa lớn, đa dạng loại hình, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở trong chính sách, loại hình quá cảnh, chuyển cảng, vận chuyển độc lập... để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy, tiền chất, hóa chất, hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, các mặt hàng khoáng sản, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng... qua địa bàn.

Đối với tuyến khu, cụm công nghiệp, kho ngoại quan, doanh nghiệp chế xuất, nơi đây tiềm ản nguy cơ các doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục và sơ hở trong công tác quản lý hải quan để gian lận xuất xứ, chuyên tải bất hợp pháp, tiêu thụ nội địa hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu không khai báo hải quan; lợi dụng gửi hàng vi phạm vào kho ngoại quan để trung chuyển đi các nước hoặc thẩm lậu vào nội địa: lợi dụng sơ hở trong hoạt động xuất nhập khẩu hóa doanh bất hợp pháp, tẩu tán, thẩm lậu vào thị trường để chất, tiền chất để kinh hoạt động chiết xuất, sản xuất tiền chất, ma túy... trong địa bàn.

Cục Quản lý thị trường Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam tăng cường đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hơn nữa, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua chủ yếu thực hiện trên lĩnh vực thương mại truyền thống, tại địa bàn cố định.

Mặc dù những năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển mạnh nhưng kết quả kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực này còn ít. Số vụ kiểm tra và xử lý liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế do việc thống kê, xác định các địa chỉ kinh doanh thương mại trên nền tảng số (môi trường mạng Internet, Zalo, Facebook,...) rất phức tạp, không ổn định, dễ thay đổi cần lực lượng cán bộ am hiểu sâu về công nghệ thông tin làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường xé lẻ, trà trộn với hàng hóa khác, sử dụng hóa đơn chứng từ khống, thay nhãn mác cơ sở sản xuất trong nước vào sản phẩm nước ngoài để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; lợi dụng việc người tiêu dùng thiếu hiểu biết, chưa được tiếp cận các thông tin và có nhu cầu tiêu thụ cao đối với một số hàng hóa để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, làm giả hoặc gian lận về nhãn mác hàng hóa...

Tăng cường kiểm soát buôn lậu, gian lận trong hoạt động thương mại điện tử

Để tiếp tục tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới được hiệu quả, ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, các cơ quan – thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; các Chỉ thị của Chính phủ, các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, của UBND tỉnh Quảng Nam về tăng cường đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa (Kế hoạch số 22/KH-BCĐ389 ngày 26/9/2022); Kế hoạch số 161/KH-BCĐ389 ngày 13/11/2020 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam và các văn bản chỉ đạo có liên quan về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Trong đó, tập trung điều tra, xác minh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại qua các kênh mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok.... Thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trao đổi, cung cấp thông tin giữa các lực lượng chức năng về các phương thức thủ đoạn hoạt động mới, của các đối tượng, về các hành vi vi phạm, dấu hiệu vi phạm... để các đơn vị kịp thời có phương án, chủ động phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, không để phát sinh các điểm nóng về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm...

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hạ Vĩ