Tính đến hết quí I/021, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 347.346 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô: Ước đạt 8.027 tỷ đồng, bằng 34,6% so với dự toán, bằng 50,7% so với cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 54,1 USD/thùng, bằng 129,2% so với giá dự toán, bằng 79,8% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 2,23 triệu tấn, bằng 27,7% dự toán, bằng 89% so với sản lượng cùng kỳ.
Thu nội địa: Ước đạt 339.319 tỷ đồng, bằng 31% so với dự toán pháp lệnh, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và LNCL và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của NHNN ước đạt 274.434 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thu NS quý I năm 2021 so với mức cùng kỳ những năm gần đây mặc dù đạt thấp về tốc độ, song đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán. Nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế quý IV/2020 có sự hồi phục khá do dịch bệnh trong nước được kiểm soát khá tốt. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng rõ rệt, các DN đã có sự tăng tốc hoạt động kinh doanh.
GDP quý IV/2020 tăng trưởng 4,48% so với cùng kỳ, nền kinh tế từng bước trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực tháng 11/2020 đã tạo thêm động lực cho kinh tế những tháng cuối năm 2020 khởi sắc.
Ngoài ra, một yếu tố tác động tích cực tới số thu ngân sách là do cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao trước dịp Tết nguyên đán (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2020 tăng 8% so với cùng kỳ, đã tạo đà cho nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp Quý I năm 2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ, một số ngành có đóng góp lớn cho NS duy trì mức tăng trưởng khá như: sản xuất kim loại tăng 30,9%; sản xuất điện tử, máy vi tính tăng 12,3%; sản xuất thiết bị điện và khai thác quặng kim loại cùng tăng 12,5%...
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%, nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng; vốn đầu tư từ NSNN tăng 13% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 22%; nhập khẩu tăng 26,3%;... là tiền đề cho thu NS quý I năm 2021 đạt khá.
Bên cạnh những yếu tố khách quan tác động tích cực đến công tác thu NSNN nói trên, trong năm 2021, một số chính sách hỗ trợ DN và người dân đã triển khai cuối năm 2020 tiếp tục có hiệu lực đã làm giảm số thu NSNN trong những tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ.
Đó là: Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020; Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành vận tải hàng không, ngày 21/12/2020 UBTV Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 về việc tiếp tục thực hiện giảm 30% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Tiếp tục rà soát cắt giảm đợt thứ 03 đối với 29 loại phí, lệ phí so với cùng kỳ cũng làm giảm thu NSNN trong những tháng đầu năm 2021.
Ngoài ra, ngành Thuế cũng tiếp tục thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã tác động làm giảm số thu thuế TTĐB từ sản phẩm rượu bia so với cùng kỳ.
Ngoài các chính sách giảm thu nêu trên, việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 đã kích thích nhu cầu mua xe ô tô trong tháng 12/2020 tăng mạnh, theo quy định của Luật Quản lý thuế, số thuế TTĐB phát sinh tháng 12/2020 sẽ kê khai và nộp thuế trong tháng 1/2021 làm số thuế TTĐB tháng 1/2021 tăng khá so với cùng kỳ.
Trước những khó khăn và thuận lợi đan xen lẫn nhau như đã phân tích ở trên, song để phăn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ do Quốc Hội, Chính phủ và của Bộ Tài chính giao,Tổng cục Thuế có nhiều giải pháp điều hành công tác thu ngân sách, đồng thời đã đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật quản lý thuế.
Đồng thời, phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao ngay từ những ngày đầu năm; ban hành Quyết định số 306/QĐ-TCT ngày 3/3/2021 giao chỉ tiêu phấn đấu cho các Cục Thuế định hướng triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021;
Ban hành Quyết định số 2270/QĐ-TCT và 2271/QĐ-TC ngày 30/12/2020 giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2021 cho Cục Thuế tỉnh, thành phố; Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp công tác quản lý thu, tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để xác định chính xác, số DN tạm nghỉ kinh doanh, số DN báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng,...
Ban hành văn bản giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 cho các Cục Thuế, mục tiêu thu tối thiểu 80% số tiền nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2020 chuyển sang và giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% tổng số thu NSNN năm 2021; chỉ đạo các Cục Thuế triển khai giao nhiệm vụ thu nợ đọng thuế đến các phòng, các Chi cục Thuế, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản thi hành, động viên kịp thời nguồn lực cho NSNN.