Châu Âu lo ngại khủng bố sau vụ việc ở Moscow
Một số nước châu Âu đã lên tiếng bày tỏ lo ngại xảy ra các vụ tấn công khủng bố tương tự sau vụ xả súng tại Nhà hát Crocus ở ngoại ô thủ đô Moscow của Nga.
Italia đã bày tỏ lo ngại một cuộc tấn công khủng bố tương tự có thể xảy ra ở những quốc gia có “chân rết” hay các thành viên của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, nơi chúng hiện diện và hoạt động. Trong khi đó, chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất, cho phép thực hiện các biện pháp an ninh đặc biệt, trong bối cảnh Olympic và Paralympic Paris 2024 sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay.
Kyrgyzstan tuyên bố chặn âm mưu ám sát lớn
Chánh văn phòng Tổng thống Kyrgyzstan, ông Kanybek Tumanbayev cho biết cựu quan chức hải quan tham nhũng và quyền lực một thời Rayimbek Matraimov đã thuê một nhóm tội phạm có vũ trang để ám sát giới lãnh đạo nước này.
Vụ việc cũng được Ủy ban An ninh Quốc gia Kyrgyzstan (GKNB) xác nhận khi thông báo họ đã bắt giữ 5 thành viên bị cáo buộc thuộc một nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được cho là lên kế hoạch ám sát ở Kyrgyzstan. Tuy nhiên, GKNB không thông báo chi tiết ai là mục tiêu của âm mưu ám sát.
Trung Quốc và Pháp sơ tán công dân khỏi Haiti
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã kích hoạt cơ chế bảo vệ lãnh sự để bảo hộ công dân trong cuộc khủng hoảng tại Haiti.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo sẽ thuê các chuyến bay đặc biệt cho công dân nước này muốn rời Haiti trong bối cảnh kết nối hàng không thương mại giữa Port-au-Prince và phần còn lại của thế giới bị gián đoạn. Bộ Ngoại giao và Bộ Các Lực lượng vũ trang Pháp đang tổ chức các chuyến bay đặc biệt để tạo điều kiện cho “những công dân dễ bị tổn thương nhất” rời Haiti.
Lý do Ba Lan không bắn hạ tên lửa Nga bay qua lãnh thổ
Người phát ngôn của Bộ chỉ huy Tác chiến Lực lượng Vũ trang Ba Lan Jacek Horyshevskyi cho biết, sẽ có nhiều rủi ro nếu bắn hạ tên lửa Nga bay qua vùng Lublin (Ba Lan) nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine.
Ông Horyshevskyi xác nhận quyết định không bắn hạ tên lửa là do Bộ chỉ huy Tác chiến trên đưa ra, giải thích rằng điều này dựa trên thông tin từ hệ thống radar của quân đội Ba Lan khi đánh giá về quỹ đạo, tốc độ và độ cao khi bay của tên lửa cho thấy nó sẽ rời khỏi không phận của nước này.
Thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza
Ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza. Nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của 14 ủy viên HĐBA, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Nghị quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cho tháng lễ Ramada, tạo cơ sở cho một lệnh ngừng bắn lâu dài. Nghị quyết trên được đánh giá mang tính đột phá, do 10 nước ủy viên không thường trực HĐBA đưa ra và được đàm phán căng thẳng cho đến phút chót.
Thủ tướng Nhật Bản đề xuất họp thượng đỉnh
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong ngày 25/3 tiết lộ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời bà Kim Yo-jong cho hay gần đây, Thủ tướng Kishida đã truyền đạt ý định về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bà không nêu chi tiết kênh Thủ tướng Nhật Bản sử dụng để đưa ra đề xuất cũng như khoảng thời gian tiềm năng để tổ chức cuộc họp này.
Israel cân nhắc cho phép dân thường Palestine trở lại miền Bắc Gaza
Ngày 24/3, Israel đã phát đi tín hiệu về khả năng cho phép những người Palestine phải đi lánh nạn có thể trở về nhà tại khu vực miền Bắc Dải Gaza. Đây cũng là một phần của tiến trình đàm phán nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại khu vực này.
Thông qua vai trò trung gian của Qatar và Ai Cập, lực lượng Hamas và quân đội Israel đang đẩy mạnh đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận lệnh ngừng bắn trong vòng 6 tuần tới để đổi lại sự tự do của 40 trong số 130 con tin vẫn đang bị Hamas bắt giữ ở Gaza.