Hàng hóa hoặc nguyên liệu có xuất xứ tại một hay nhiều Nước thành viên được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa khác tại lãnh thổ của một Nước thành viên khác được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của Nước thành viên đó.
Quá trình sản xuất nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều Nước thành viên bởi một hay nhiều nhà sản xuất được tính vào thành phần có xuất xứ của hàng hóa khi xác định xuất xứ hàng hóa, không tính đến quá trình sản xuất đủ để nguyên liệu trở thành có xuất xứ.
Trừ trường hợp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, hàng hóa có chứa nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng được quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu trị giá của tất cả các nguyên liệu nói trên không vượt quá 10% trị giá hàng hóa, được định nghĩa tại khoản 13 Điều 3 Thông tư này và hàng hóa đáp ứng các quy định khác tại Thông tư này.
Khoản 13 của Điều 3 như sau:
“Trị giá hàng hóa là trị giá giao dịch của hàng hóa không bao gồm bất kỳ chi phí nào phát sinh trong quá trình vận chuyển quốc tế của hàng hóa”
Khoản 1 Điều này chỉ áp dụng khi sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất hàng hóa khác.
Trường hợp hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều này áp dụng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực, trị giá nguyên liệu không có xuất xứ đó được tính vào trị giá nguyên liệu không có xuất xứ khi tính hàm lượng giá trị khu vực.
Đối với hàng dệt may, áp dụng theo quy định tại Điều 29 Thông tư này.
Điều 29 như sau:
Hàng dệt may không thuộc từ Chương 61, 62, 63 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ, không đáp ứng quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nhưng tổng trọng lượng của các nguyên liệu không có xuất xứ đó không vượt quá 10% tổng trọng lượng của hàng hóa và hàng hóa đáp ứng các quy định khác tại Chương này và Chương II Thông tư này.
Hàng dệt may thuộc các Chương 61, 62, 63 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa sử dụng xơ hoặc sợi không có xuất xứ trong quá trình sản xuất ra thành phần quyết định đến phân loại mã số hàng hóa đó không đáp ứng quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này, vẫn được coi là có xuất xứ nếu tổng trọng lượng của xơ hoặc sợi đó không vượt quá 10% tổng trọng lượng của thành phần đó và hàng hóa đáp ứng tất cả các quy định khác tại Thông tư này.
Hàng hóa quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này có chứa sợi co giãn trong thành phần chính xác định phân loại mã số hàng hóa được coi là có xuất xứ khi sợi co giãn đó được xe toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều Nước thành viên.
Cũng tại Thông tư này, Hàng hóa hoặc nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau được quy định tại Điều 15. Cụ thể:
Hàng hóa hoặc nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau được coi là có xuất xứ trong trường hợp:
Chia tách thực tế từng hàng hóa hoặc nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau.
Áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được thừa nhận trong các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi nếu hàng hóa hoặc nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau được trộn lẫn, với điều kiện nguyên tắc kế toán về quản lý kho được lựa chọn sử dụng phải áp dụng trong suốt năm tài khóa đó.
Tiếp đến, Điều 16 quy định về Phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, tài liệu về sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng như sau:
Theo quy định tại Điều này;
a) Trường hợp xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí xuất xứ thuần túy hay đáp ứng quy trình sản xuất hoặc chuyển đổi mã số hàng hóa được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, xuất xứ của phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ tài liệu về sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều này không được tính đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.
b) Trường hợp xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực, trị giá của phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, tài liệu về sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều này được tính là trị giá nguyên liệu có xuất xứ hoặc không có xuất xứ, xét theo từng trường hợp.
Phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, tài liệu về sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng của hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều này được coi là có xuất xứ cùng với hàng hóa mà chúng đi kèm.
Theo quy định tại Điều này, phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, tài liệu về sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng được tính đến khi:
a) Phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, tài liệu về sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng được phân loại, đi kèm và cùng hóa đơn với hàng hóa đó;
b) Chủng loại, số lượng và trị giá của phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, tài liệu về sản phẩm hoặc hướng dẫn sử dụng phù hợp với hàng hóa theo thông lệ.