Xuất khẩu gạo giảm 20,2% giá trị
Quý I/2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 13,4%; thuỷ sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 0,5%; các mặt hàng lâm sản chính đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,5%.
Trong đó, các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt là chè tăng 15,4%, cao su tăng 18,5%, cá tra tăng 10%, sản phẩm mây, tre, cói thảm tăng 37,7%...
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực vẫn tiếp diễn đà giảm mạnh. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2019 ước đạt 658 nghìn tấn với giá trị đạt 281 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần; các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Angola (gấp 9,5 lần); Bờ Biển Ngà (gấp 6,1 lần); Hồng Kông, Nam Phi và Úc gấp hơn 2 lần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2019 đạt 404 USD/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong tháng 3/2019, giá lúa, gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng trong bối cảnh chương trình thu mua tạm trữ 200 ngàn tấn gạo, 80 ngàn tấn lúa vụ Đông Xuân đang diễn ra. Hoạt động mua bán lúa những ngày này cũng tất bật hơn. Tuy nhiên, tuần cuối tháng 3 xu hướng tăng giá có phần chững lại mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tích cực mua vào.
Mặc dù quý I/2019, thị trường lúa gạo có khó khăn nhưng dự báo sang quý II/2019 sẽ có nhiều hợp đồng mới do giá gạo của Việt Nam đang ở mức giá cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Do đó, hiện có một số doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường và tiến đến thỏa thuận ký hợp đồng, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Xuất khẩu cà phê, tiêu, hoa quả cũng giảm mạnh
Cùng chung hoàn cảnh đó, xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm đạt 483.000 tấn với 841 triệu USD, giảm 14,2% về khối lượng và giảm 22,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân được Bộ NN&PTNT đưa ra là do giá cà phê xuất khẩu vẫn giảm mạnh, trên 10% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với trên 22% thị phần.
Trong tháng vừa qua, thị trường cà phê trong nước vẫn biến động giảm cùng xu hướng với thị trường cà phê thế giới. So với tháng 2, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 200 – 500 đồng/kg xuống còn 32.200 – 33.200 đồng/kg. Giá cà phê giảm trước áp lực nguồn cung từ Brazil cao, tiếp tục đè nặng lên các thị trường.
Cũng bởi áp lực nguồn cung lớn, giá tiêu xuất khẩu vẫn tiếp tục vòng xoáy giảm mạnh, với mức 27%. Do đó, dù khối lượng tiêu xuất khẩu trong quý 1/2019 tăng 19% nhưng giá trị vẫn giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 182 triệu USD.
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với gần 43% thị phần.
Mặt hàng điều cũng trong tình trạng tăng về khối lượng xuất khẩu nhưng lại giảm mạnh về giá trị. Khối lượng hạt điều xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 76.000 tấn với 609 triệu USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn chung trong 3 tháng đầu năm, xu hướng giá giảm đối với điều nguyên liệu trong nước, với mức giảm từ 300 – 600 đồng/kg; giá điều nhân giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Thị trường điều nhân thời gian qua không sôi động là do các nhà nhập khẩu không dự trữ nhiều.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong thời gian tới mặc dù nhu cầu gia tăng song lượng cung ứng điều năm nay cũng sẽ tăng, đạt mức gần 4 triệu tấn, tăng 300.000 - 400.000 tấn so với 2018. Do đó, thị trường điều thời gian tới không có nhiều biến động.
Ngoài ra, Quý I/2019, thị trường trái cây trong nước đã có dấu hiệu hồi phục sau 2 tháng đầu năm giảm vì nhu cầu giảm từ phía Trung Quốc bởi thời điểm thu hoạch của Trung Quốc cũng trùng với thời điểm thu hoạch một số loại trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả trong quý I vẫn giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 879 triệu USD. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong chiếm 73% thị phần.