Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 10,18 tỷ USD; xuất siêu 3,36 tỷ USD, tăng 96,5% so cùng kỳ.
4 mặt hàng nông lâm thủy sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2024 đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông sản chính 2,75 tỷ USD (tăng 31,1% so tháng 3/2023), lâm sản chính 1,22 tỷ USD (giảm 0,3%), thủy sản 653 triệu USD (giảm 14,6%), chăn nuôi 43,6 triệu USD (tăng 8,3%), đầu vào sản xuất 173 triệu USD (tăng 0,2%).
Tính chung 3 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 13,53 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.
Đáng chú ý, đã có 4 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); Rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); Gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); Cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 599 nghìn tấn, tăng 8,3%).
Giá xuất khẩu nhiều loại nông sản chủ lực tăng khá
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản trong 3 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ trước như: Giá xuất khẩu gạo đạt 661 USD/tấn, tăng 25%; cà phê 3.181 USD/tấn, tăng 43,5%, cao su 1.462 USD/tấn, tăng 5,1%; hạt tiêu 4.153 USD/tấn, tăng 35,6%. Tuy nhiên, một số nông sản có giá xuất khẩu giảm như: hạt điều 5.329 USD/tấn, giảm 8,6%; chè 1.616 USD/tấn, giảm 2,2%; phân bón 412 USD/tấn, giảm 9,1%…
Về cơ cấu thị trường, giá trị xuất khẩu tới các thị trường đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang châu Á ước đạt 6,27 tỷ USD (tăng 16,6%); châu Mỹ 2,96 tỷ USD (tăng 27,2%); châu Âu 1,85 tỷ USD (tăng 34,8%); châu Đại Dương 188 triệu USD (tăng 22,9%) và châu Phi 192 triệu USD (tăng 21,6%).
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng nông lâm thủy sản Việt Nam; trong đó giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Hoa Kỳ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay ước đạt 10,18 tỷ USD, tăng 8,2%. Trong đó: Nông sản 6,45 tỷ USD, tăng 9,9%; sản phẩm chăn nuôi 720 triệu USD, giảm 6,7%; thuỷ sản 636 triệu USD, giảm 3,9%; lâm sản 544 triệu USD, tăng 10,8%; đầu vào sản xuất 1,81 tỷ USD, tăng 13,5%; muối 7,8 triệu USD, giảm 33,5%.
Về thị trường, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản từ châu Á giảm 6,1%, đạt 2,75 tỷ USD; châu Mỹ tăng 21,4%, đạt 2,64 tỷ USD; châu Đại Dương giảm 20,2%, đạt 563,8 triệu USD; châu Âu tăng 23,8%, đạt 482,9 triệu USD và châu Phi giảm 10%, đạt 214 triệu USD.
Tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban chỉ đạo giá của Chính phủ diễn biến giá cả và nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, phân bón; Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phát triển thị trường nông sản...
Thời gian tới, công tác phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi... Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài...