Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi từ một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số,… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nền kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần đối mặt, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hoá, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật…, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nghèo có thu nhập thấp.
Thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ phục hồi tổng cầu 6 tháng đầu năm
Mặc dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có sự suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm, tuy nhiên thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm 2022).
Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,9% và doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 9,3% (nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,5%; may mặc tăng 9,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%).
Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.016,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 (đạt 2.7149,8 nghìn tỷ đồng) cho thấy sức cầu của thị trường trong nước lớn hơn.
Doanh thu bán lẻ hàng hoá của một số địa phương đạt mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước như: Bình Dương tăng 15,6%; Quảng Ninh tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 12,3%.
Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Thương mại điện tử trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hoá, nông sản cho người sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Như vậy, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm” - Bộ Công Thương nhận định.
Kỳ vọng vào thị trường trong nước sẽ bứt tốc trong những tháng cuối năm 2023
Thực tế, tại thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2023 mặc dù có quy mô lớn hơn nhưng tốc độ tăng đang chậm lại và thấp hơn cùng kỳ năm trước (10,9% so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm trước). Tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thịt rường nội địa còn diễn biến phức tạp.
Đồng thời, hạ tầng thương mại xét về tổng thể vẫn còn yếu kém, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn dẫn đến chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hoá thành phẩm nhiều tầng nấc.
Ngành năng lượng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khiến nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số địa phương và xảy ra thiếu điện gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt ở một số địa phương phía Bắc.
Bộ Công Thương nhận định, nguyên nhân là do kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.
Việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực trong quý II và các quý tiếp theo của năm 2023.
Những tín hiệu tăng trưởng của ngành du lịch được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới, đặc biệt là sự gia tăng lượng khách nước ngoài sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong thời gian tới, cũng góp phần thúc đẩy tiêu dùng.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó, việc tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế nhưng có thể sẽ gây ra những hệ luỵ nhất định đối với các doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá trong cả nước.
Công tác điều hành giá cả dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.
Theo Bộ Công Thương, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp thị trường trong nước bứt tốc tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Chẳng hạn như, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê; hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại trở lại thị trường lao động làm việc…), chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí (như giảm thuế VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế)... sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tiền đề cho những triển vọng kinh tế trong nước cuối năm 2023.
Đa dạng các hoạt động phát triển thị trường trong nước
Thời gian tới, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Chính phủ giao năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát triển thị trường trong nước.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Đồng thời, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hoá thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước thông qua tổ chức các Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước; kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất với các hệ thống phân phối,..
Về công tác chỉ đạo điều hành đối với mặt hàng xăng dầu được triển khai tích cực, kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống. Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 8544/CĐ-BCT ngày 31/12/2022 gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Trong tháng 4 và tháng 6/2023, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ BOG xăng dầu ở mức thấp do liên tục chi Quỹ, Bộ Tài chính đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định (ngày 30/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn).