1. Mục đích:
Quy định được ban hành nhằm thống nhất công tác phản biện, biên tập và xuất bản bài báo khoa học gửi đăng trên Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.
Quy định này là cơ sở để Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thẩm định duyệt đăng và xuất bản những bài báo có chất lượng.
2. Phạm vi áp dụng:
Quy định được ban hành nhằm thống nhất công tác phản biện, biên tập và xuất bản bài báo khoa học gửi đăng trên Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, dành cho tất cả các đối tượng là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, giảng viên, nghiên cứu sinh,...
3. Căn cứ pháp lý:
Căn cứ Luật Báo chí số 103/2016/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 05 tháng 04 năm 2016;
Căn cứ công văn 37/HĐCDGSNN của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước về việc yêu cầu về chất lượng khoa học và thể thức đăng bài trong các tạp chí khoa học được tính điểm, ban hành ngày 04 tháng 04 năm 2016;
Căn cứ Giấy phép hoạt động báo chí in số 60/GP-BTTTT ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cấp giấy phép xuất bản Tạp chí Công Thương (trên cơ sở hợp nhất 2 Tạp chí: Tạp chí Công nghiệp và Tạp chí Thương mại thuộc Bộ Công Thương).
4. Quy trình:
4.1. Lưu đồ quy trình:
4.2. Mô tả chi tiết quy trình:
Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ áp dụng hình thức phản biện kín theo chuẩn mực tạp chí khoa học quốc tế.
Các bài báo sau khi được nhận vào quy trình phản biện của Tạp chí sẽ được gửi đến các chuyên gia phản biện. Trong đó, các chuyên gia phản biện được lựa chọn trên các tiêu chí quan trọng gồm: đúng chuyên môn và phù hợp trình độ tương ứng với từng chủ đề nghiên cứu. Theo đó, trong suốt quá trình phản biện, người phản biện không được biết thông tin về tác giả bài viết và ngược lại.
Quy trình phản biện Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ gồm 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1 - sơ loại;
Giai đoạn 2 - phản biện kín;
Giai đoạn 3 - duyệt đăng bài.
Giai đoạn 1- Sơ loại
Sau khi tiếp nhận bài báo gửi qua email của tạp chí, tác giả sẽ nhận được email xác nhận của tòa soan. Sau đó, bài báo sẽ được kiểm tra mức độ đáp ứng các yêu cầu của Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ (về tôn chỉ, mục đích, cấu trúc và hình thức trình bày bài báo khoa học). Kết quả sơ loại có thể là:
Chấp nhận sơ loại: Nếu bài báo đáp ứng các tiêu chí đặt ra, tác giả sẽ nhận được thư phản hồi thông báo bài báo đã được chuyển vào quy trình phản biện của Tạp chí.
Từ chối sơ loại: Nều bài báo vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí đặt ra của tạp chí, tác giả sẽ nhận được thư phản hồi thông báo tiếp theo về tình trạng của bài báo: (1) Từ chối nhận bài; hoặc (2) Chỉnh sửa theo Quy định bài viết gửi đăng Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ và gửi lại.
Giai đoạn 2 - Quy trình phản biện kín
Sau Giai đoạn 1 - Sơ loại, Ban biên tập sẽ gửi bài báo đến phản biện theo sự phân công phản biện của Quản lý tạp chí. Các phản biện sẽ làm việc nghiêm túc để cho ý kiến nhận xét bài báo căn cứ vào các tiêu chí cụ thể để thẩm định bài viết. Tổng thể nội dung phản biện tập trung vào 7 tiêu chí sau:
- Tính cấp thiết và tính mới của nghiên cứu;
- Cơ sở lý thuyết dựa trên nghiên cứu trích dẫn;
- Mô hình và/hoặc nội dung chủ đề nghiên cứu;
- Phương pháp nghiên cứu được vận dụng;
- Tính phản biện khoa học và tin cậy của kết quả nghiên cứu;
- Các hàm ý/giải pháp cho vấn đề nghiên cứu;
- Logic nội dung, văn phong và thể thức bài báo khoa học.
Kết luận của giai đoạn phản biện có thể là:
- Không nên đăng (Cần giải thích rõ lý do trong bản nhận xét);
- Đồng ý cho đăng không cần chỉnh sửa;
- Sửa các phần cần thiết theo ý kiến phản biện và gửi lại cho tòa soạn để phản biện lần kế tiếp;
- Đồng ý cho đăng sau khi chỉnh sửa một số lỗi nhỏ.
Tác giả nhận được nhận xét phản biện nên cố gắng chỉnh sửa cẩn trọng, nhanh chóng và gửi lại để chuyển phản biện xem xét.
Thời gian phản biện đọc và gửi lại nhận xét: Từ 1 đến 10 ngày, tính từ ngày Tòa soạn gửi cho mỗi phản biện (một số trường hợp đặc biệt, Tòa soạn có thể đề nghị phản biện đọc và cho ý kiến nhận xét nhanh hoặc kéo dài hơn).
Thời gian tác giả chỉnh sửa và gửi lại bài báo: Từ 1 đến 10 ngày, tính từ ngày Tòa soạn gửi nhận xét cho tác giả (một số trường hợp đặc biệt, Tòa soạn có thể yêu cầu tác giả chỉnh sửa và gửi lại nhanh hoặc kéo dài hơn).
Giai đoạn 3 - Duyệt đăng bài
Sau khi bài báo đã qua quy trình phản biện kín, Quản lý tạp chí sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng (duyệt đăng hay từ chối xuất bản) khi:
- Phản biện kín đồng ý cho đăng và Quản lý tạp chí đồng ý với phản biện kín: Tác giả sẽ được thông báo và bài báo sẽ được đưa vào danh sách chờ duyệt đăng.
- Phản biện kín đồng ý cho đăng và Quản lý tạp chí yêu cầu tác giả chỉnh sửa (trường hợp này thường do yêu cầu về quản lý báo chí): Tác giả sẽ được thông báo để chỉnh sửa theo yêu cầu của Quản lý tạp chí và gửi lại. Nếu đạt yêu cầu của Tạp chí, bài báo sẽ được đưa vào danh sách chờ duyệt đăng. Nếu chưa đạt yêu cầu, tác giả bài báo sẽ được yêu cầu sửa tiếp.
- Phản biện kín không đồng ý cho đăng và Quản lý tạp chí đồng ý với phản biện kín: Trường hợp này tác giả sẽ nhận được thông báo từ Tòa soạn.
- Phản biện kín không đồng ý cho đăng và Quản lý tạp chí không đồng ý với phản biện kín: Trường hợp này bài báo sẽ được gửi đến một phản biện kín thứ hai để đảm bảo tính khách quan. Nếu phản biện kín thứ hai cũng không đồng ý, tác giả sẽ nhận được thông báo từ Tòa soạn.
Chính sách xuất bản
Sau khi được chấp nhận duyệt đăng, bài báo sẽ được chuyển đến biên tập viên để chỉnh sửa về văn phong, cách trình bày, và định dạng. Tác giả sẽ được yêu cầu hỗ trợ ở giai đoạn này và có thể được thông báo về những thay đổi chính về bài báo.
Bước 1 - Ban biên tập lập danh sách bài báo sẽ xuất bản, trình thư ký tòa soạn và quản lý tạp chí duyệt.
Bước 2 - Biên tập: Các biên tập viên chỉnh sửa định dạng và bố cục bài báo đồng thời kiểm tra các lỗi sai. Những thay đổi hoặc chỉnh sửa cần thiết được thực hiện để phù hợp với định dạng, văn phong, ngôn ngữ, và cách trình bày theo tiêu chí của Tạp chí.
Bước 3 - Kỹ thuật viên dàn trang thiết kế và trình bày bài báo theo tiêu chuẩn định dạng của Tạp chí và sau đó in Bản in 1. Bản in này sẽ được kiểm tra cẩn thận bởi các biên tập viên và thư ký tòa soạn. Những thông tin cần thiết về bài báo như tóm tắt và từ khóa phải được đặt đúng vị trí. Sau khi kiểm tra, bản in 1 sẽ được gửi lại cho bộ phận dàn trang.
Bước 4 - bộ phận dàn trang chỉnh sửa theo hướng dẫn và in bản in 2, biên tập viên so sánh bản in 2 với bản in 1 để tìm ra lỗi sai, nếu có. Bản in 2 tiếp tục được kiểm tra lại bởi Thư ký tòa soạn.
Bước 5 - Sau khi tất cả các bài báo được kiểm tra và sắp xếp cẩn thận, Thư ký tòa soạn in bản in 3 gồm mục lục và tất cả các bài báo trong số đó gửi cho Quản lý tạp chí duyệt. Lần sắp xếp và chỉnh sửa cuối cùng được thực hiện nếu cần thiết trước khi gửi in.
Bước 6 - Kiểm tra lần cuối: Sauk hi được Quản lý tạp chí đồng ý, bản in 3 sẽ được chuyển đến bộ phận dàn trang để in bản mẫu và chuyển đến nhà in. Sau khi in ấn, sẽ được thực hiện việc phát hành và nộp lưu chiểu theo quy định.