Quyết không bó tay với tổn thất điện năng

Đó là suy nghĩ và trở thành hành động của anh Lê Văn Năm - Công nhân bậc 7/7: treo tháo công tơ của Điện lực Tuy Phước thuộc Công ty Điện lực Bình Định. Không chỉ bản thân anh tìm tòi nghiên cứu từ th
Tính đến đầu năm 2012, Điện lực Tuy Phước đã tiếp nhận 6/8 xã gồm 9 tổ chức quản lý điện nông thôn. Trong đó, 106km đường dây hạ áp 0,4kV với 41 trạm biến áp có tổng dung lượng 8357,5KVA đi băng qua địa bàn các xã vùng đồng ruộng, đầm phá ven biển. Con số khách hàng dùng điện tăng vọt: 13.223 khách hàng và con số tỷ lệ TTĐN cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Trước đây, khách hàng sử dụng điện nông thôn Tuy Phước phải “gồng” chịu giá điện cao đến 3.000 - 5.000đ/kWh vì gánh thêm phí TTĐN. Khi nhập về lưới Điện lực quản lý đã đẩy TTĐN toàn điện lực Tuy Phước lên 2 con số. Năm 2010 trên 10,92%, năm 2011% lên 13,5%. Lãnh đạo họp, phòng kỹ thuật tham mưu, công đoàn phát động thi đua, tổ kiểm tra sử dụng điện được tăng cường nhân lực và đưa tần suất kiểm tra lấy cắp điện trong khách hàng lên cao… nói chung là đủ kiểu! Những biện pháp tình thế như “muối bỏ biển” ấy cứ như phong trào, lên xuống đều đều mà tỷ lệ TTĐN vẫn không giảm là mấy. Bị Hội đồng thi đua Công ty Điện lực Bình Định trừ 2 điểm tối đa chỉ tiêu TTĐN hằng quý, xót lắm!

Hằng ngày đi tác nghiệp trên mọi địa hình của lưới điện quản lý, theo nhiệm vụ chính là treo tháo công tơ, Lê Văn Năm suy nghĩ: “Mình phải làm cái gì đó để góp phần vào nỗ lực chung của anh em… chống TTĐN từ những chiếc tủ điện quen thuộc hằng ngày này chứ còn tìm đâu cho xa”. Thế là sau nhiều đêm suy nghĩ trăn trở, Lê Văn Năm trình bày với đồng nghiệp trong tổ về sáng kiến của mình: “Lắp tấm chống tổn thất điện năng tại tủ điện TĐ-2C và tủ điện TĐ-3C”.

Loại tủ điện TĐ-2C và TĐ-3C hiện sử dụng tại PC Bình Định gồm 2 ngăn: Ngăn 1, lắp đặt hệ thống đo đếm có cửa tủ và khóa riêng, nhưng không có vị trí niêm chì, nếu có sự can thiệp từ bên ngoài vào hệ thống đo đếm thì sẽ gây ra TTĐN, rất khó phát hiện; ngăn 2, lắp đặt thiết bị đóng, cắt gồm các aptomat tổng, lộ ra và thanh cái đối với tủ TĐ2C, riêng đối với tủ TĐ-3C chỉ lắp aptomat tổng.

Giải pháp được Lê Văn Năm đề xuất là dựa vào kết cấu hiện có của tủ điện, bố trí 2 giá đỡ bằng thép tấm dày 2mm lắp vào 2 bên bảng lắp biến dòng. Sau đó, lắp tấm mi ca (gọi là tấm chống TTĐN) lên 2 giá nói trên và tiến hành niêm chì. Như vậy, toàn bộ hệ thống đo đếm sẽ được bảo vệ không cho can thiệp vào sơ đồ đấu dây làm sai lệch kết quả đo đếm điện năng.

“Duyệt!” cả tổ đồng thanh ủng hộ Lê Văn Năm và xin ý kiến lãnh đạo cho lắp đặt thử nghiệm tấm mica chống TTĐN tại TBA Trường Thanh - cơ sở sản xuất nước đá Diêu Trì, huyện Tuy Phước. Hiệu quả đem lại bất ngờ: Bảo đảm chống TTĐN hiệu quả, không cần phải khoan lỗ vỏ tủ điện để lắp tấm mi ca, tăng vẻ mỹ quan của tủ điện, tạo thuận lợi để theo dõi hệ thống và ghi chỉ số công tơ, chỉ số công tơ điện tử hoặc không phải gia công vị trí niêm chì cửa tủ ngăn đo đếm. khắc phục triệt để tồn tại vị trí niêm chì ngăn đo đếm tủ điện TĐ-2C và TĐ-3C mà đoàn kiểm tra của EVNCPC đã kiến nghị trước đây.

Từ hiệu quả thực tế sáng kiến của Lê Văn Năm, phong trào sáng kiến ở Điện lực Tuy Phước đang rộ lên với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trên lưới điện địa bàn huyện Tuy Phước, góp phần đáp ứng 2 chỉ tiêu kỹ thuật cần “giảm” trong quản lý vận hành điện là: giảm tỷ lệ TTĐN và chỉ tiêu giảm suất sự cố trên lưới điện. 6 tháng đầu năm 2012, chỉ tiêu TTĐN toàn điện lực Tuy Phước đã xuống còn 1 con số: 7,64%. Phấn khởi không chỉ vì được Hội đồng sáng kiến Công ty Điện lực Bình Định công nhận và khen thưởng, Lê Văn Năm còn vui mừng bắt tay cùng đồng đội tìm tòi, đề xuất những sáng kiến mới: Quyết không bó tay với TTĐN!